Tag
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2023

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần

Văn hóa 29/01/2023 17:32
aa
TTTĐ - Sau 3 năm tạm dừng vì dịch COVID-19, năm nay, lần đầu tiên Lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức trở lại với quy mô hoành tráng cấp tỉnh nhằm khẳng định, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị vua triều Trần 200 nghệ sĩ, diễn viên tham dự chương trình “Hào khí Đông A” Những nghi lễ dân gian đặc sắc chỉ có ở Lễ hội đền Trần Thái Bình

Nhân dịp này, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có dịp trò chuyện với bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình.

Sẵn sàng cho Lễ hội đền Trần 2023

PV: Thưa bà, sau 3 năm dừng vì dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội đền Trần được tổ chức trở lại. Xin bà cho biết, mục đích và nét mới của Lễ hội năm 2023?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Lễ hội đền Trần được tổ chức trở lại nhằm tiếp tục khẳng định giá trị của di sản văn hoá nhà Trần ở Thái Bình; Tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; Tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân mới.

Thông qua đó, lễ hội góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần
Bà Trương Thị Hồng Hạnh (đứng thứ 5 từ trái sang) - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình

Sau thời gian tạm dừng tổ chức lễ hội để phòng chống dịch COVID-19, năm nay lần đầu tiên Lễ hội đền Trần tổ chức quy mô cấp tỉnh do UBND tỉnh chủ trì, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực tham mưu. Các nghi lễ truyền thống vẫn diễn ra theo nghi thức từ xưa để lại, như: Tế lễ, rước (rước thủy và rước bộ), lễ bái yết, thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần...

Các hoạt động phần hội được mở rộng quy mô, có sự tham gia của các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, với các hoạt động như: Trình diễn thư pháp, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình, liên hoan văn nghệ quần chúng, ngày thơ Việt Nam, giải võ cổ truyền, giải kéo co...

Đặc biệt, lễ vật dâng các vua Trần trong lễ hội đền năm 2023 có cặp bánh truyền thống được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận và vinh danh là sản phẩm phá kỷ lục Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại, được sản xuất bởi Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng.

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần
Khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

PV: Đâu là điểm nhấn quan trọng trong nội dung các hoạt động của Lễ hội đền Trần Thái Bình, thưa bà ?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Trong phần lễ hội của đền Trần, ngoài tục rước nước còn có tục thi cỗ cá để cúng các vua Trần. Tập tục này là phần rất hấp dẫn đối với du khách hành hương về lễ hội tại đền Trần.

Theo truyền thuyết, đây là nghi thức tưởng nhớ các vua Trần có nguồn gốc xuất thân từ nghề chài lưới. Trước đây, việc thi cỗ cá diễn ra tại 3 làng Thái Đường, Phú Đường và Ngọc Đường, sau hợp lại thành làng Tam Đường nên chỉ chọn chung ra một đội nuôi cá và làm cỗ cá.

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần
Thi cỗ cá để cúng các vua Trần sẽ được người dân địa phương tái hiện lại tại Lễ hội đền Trần năm 2023

Tục làm cỗ cá làng Tam Đường còn liên quan đến tục giao chạ giữa hai làng Tam Đường và Vân Đài thuộc xã Chí Hòa cùng huyện. Hơn 700 năm qua, qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng cứ từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng hàng năm, lễ hội ở Tam Đường vẫn đều đặn duy trì, long trọng tưởng nhớ công lao các vua Trần thông qua các hoạt động thực hành nghi lễ.

Năm nay, thi cỗ cá, nét văn hóa riêng biệt của địa phương phản ánh đậm nét văn hoá của cuộc sống chài lưới để tưởng nhớ và ghi nhớ thủa hàn vi của các bậc tiền nhân sẽ được tái hiện lại và hứa hẹn hấp dẫn du khách thập phương.

Bên cạnh đó, lễ rước nước cũng là nghi thức đầu tiên và quan trọng. Tập tục này cho đến nay luôn được coi là một nét văn hoá đặc biệt của lễ hội đền Trần tại Thái Bình.

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần
Lễ rước nước cũng là nghi thức đầu tiên và quan trọng tại lễ hội

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được UBND huyện Hưng Hà, UBND xã Tiến Đức và Ban Quản lý di tích đền Trần thực hiện cẩn thận và chu đáo từ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đoàn rước, phương tiện bến thuyền, kiệu rước, lễ vật, hương hoa, các đội tế...

PV: Để Lễ hội diễn ra trang trọng, ấn tượng, an toàn, tiết kiệm và có tính giáo dục cao, xứng tầm với vai trò, vị thế của nhà Trần trong tiến trình lịch sử dân tộc, đến thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức đã chuẩn bị như thế nào, thưa bà?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban tổ chức, các Tiểu ban thực hiện các nhiệm vụ, gồm Tiểu ban Nội dung, Tiểu Ban Tuyên truyền, Tiểu ban Hậu cần, khánh tiết, Tiểu ban An ninh trật tự.

Các tiểu ban căn cứ vào nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng phần việc và phân công nhiệm vụ rõ ràng cụ thể cho từng thành viên.

Sở VHTTDL là cơ quan thường trực kết nối, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Tiểu ban, các bộ phận liên quan thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh bảo đảm đúng nội dung, tiến độ, nhằm tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất phục vụ cho lễ hội.

Chương trình lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật chào mừng “Hào khí Đông A” do Sở VHTTDL đã phối hợp với các đơn vị tài trợ, đơn vị tổ chức sự kiện tích cực hoàn thiện các khâu chuẩn bị cuối cùng và sẽ tiến hành tổng duyệt tổng thể chương trình vào chiều ngày 3/2/2023 (ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão) nhằm đem đến cho người dân và du khách một lễ khai mạc ấn tượng, hấp dẫn, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đất và người Thái Bình.

Hiện UBND huyện Hưng Hà, UBND xã Tiến Đức chỉ đạo Ban quản lý khu di tích đã làm công tác bao sái, lau rửa toàn bộ đồ thờ tự, vệ sinh đền thờ sẵn sàng cho các nghi thức tâm linh quan trọng; dọn dẹp vệ sinh môi trường; trang trí khánh tiết trong khu di tích và các lối đi, bố trí các biển thông tin, chỉ dẫn...

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần
Lễ khai mạc với màn nghệ thuật đặc sắc "Hào khí Đông A" sẽ diễn ra vào tối 13 tháng Giêng năm Quý Mão

Chúng tôi cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động liên quan đến lễ hội đền Trần năm 2023; giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa, mảnh đất và con người Thái Bình, của vùng đất Long Hưng, Hưng Hà...; Đồng thời, bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; Phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ, tăng cường cán bộ và phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống y tế; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các địa điểm, khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội...

Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đền Trần 2023 về cơ bản đã sẵn sàng. Ban tổ chức lễ hội và các Tiểu ban cũng đang gấp rút hoàn hành những công việc cuối cùng để phục vụ tốt nhất cho du khách thập phương về dự lễ hội.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, hi vọng lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2023 sẽ diễn ra thành công và để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Tiếp tục phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch

PV: Thưa bà, ngành văn hóa tỉnh Thái Bình đã và sẽ triển khai hành động như thế nào để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích và di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Trần trong thời gian tới?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá này.

Cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đền Trần và Lễ hội đền Trần với các tập quán, nghi lễ truyền thống tốt đẹp gắn với di sản văn hóa vật thể, không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa đáp ứng nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn và trân trọng vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn và trao truyền các kỹ năng thực hành di sản trong cộng đồng.

Thứ hai, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy thực hành Lễ hội đền Trần trong cộng đồng; khuyến khích những nghệ nhân cao tuổi truyền dạy nghi thức cổ trong sinh hoạt tín ngưỡng và tổ chức lễ hội cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục trong và ngoài trường học.

Thứ ba, tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản đền Trần và Lễ hội đền Trần.

Thứ 4, thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội.

Đặc biệt là ngày 16/9/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1540/QĐ-TTg Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, tỉnh Thái Bình.

Hiện nay, ngành VHTTDL đang phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, tỉnh Thái Bình. Đây sẽ là cơ sở quan trong tạo tiền đề để tỉnh Thái Bình huy động các nguồn lực đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Trần trong thời gian tới.

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần
Du khách chiêm bái di tích đền Trần tỉnh Thái Bình

PV: Thực tế cho thấy, loại hình du lịch tâm linh có đóng góp quan trọng vào việc phục hồi và phát triển du lịch của nhiều địa phương. Vậy, tỉnh Thái Bình có kế hoạch quảng bá như thế nào đối với các di tích lịch sử và Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần để thu hút khách du lịch?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Đến nay, tỉnh Thái Bình có 2.969 thiết chế văn hóa cổ trong danh mục kiểm kê. Trong đó, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 126 di tích quốc gia, 583 di tích cấp tỉnh; 2 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 12 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc.

Nhiều di sản văn hóa của tiêu biểu tỉnh đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, được đầu tư nhằm xây dựng và bảo tồn như: đền Trần, chùa Keo, Đền Tiên La, Đền A Sào, Đền Đồng Bằng, Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh…

Tỉnh đang tiến hành đầu tư từng bước, xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương về nơi ăn ở, các phương tiện giao thông, xây dựng hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, đảm bảo an toàn cho du khách; Ngăn chặn, đẩy lùi các hạn chế, tiêu cực như: bố trí khu dịch vụ tràn lan, chặt chém du khách, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan... nhằm đảm bảo thuận tiện an toàn cho du khách về tham quan di tích.

Tỉnh cũng đã lập quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với 2 di tích quốc gia đặc biệt để có cơ sở tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết và huy động các nguồn lực nhằm quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích trong thời gian tới.

Đồng thời, tỉnh tiến hành xây dựng các đề án về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa như: Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030”; Đề án “Số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030”; 2 đề án này làm cơ sở cho công tác quản lý di tích và quản lý hoạt động bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị hệ thống di tích của tỉnh, gắn với phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo động ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh tại các điểm di tích và xuất bản các ấn phẩm văn hóa để phục vụ du khách, đặc biệt là giáo viên, học sinh từ các địa phương trong và ngoài tỉnh về học tập, tham quan khu di tích đền Trần nói riêng và các di tích khác trên địa bàn tỉnh nói chung; Liên kết, kết nối, hình thành các tour du lịch, đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông thuộc phạm vi quản lý của địa phương nhằm kết nối giữa các điểm di tích.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các di tích, lễ hội của địa phương, để người dân và du khách thập phương biết đến các di sản văn hóa của Thái Bình, nhằm góp phần phát huy mạnh mẽ giá trị của di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng thời, tỉnh cũng rất coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, giá trị di sản văn hóa, để hiểu hơn, sống có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa mà cha ông để lại, từ đó tạo đà cho phát triển du lịch.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần

Đọc thêm

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô Văn hóa

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

TTTĐ - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu của chúng ta đã ra đi về thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và Nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...
Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua nghệ thuật điêu khắc ánh sáng Văn học - Nghệ thuật

Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua nghệ thuật điêu khắc ánh sáng

TTTĐ - Lấy cảm hứng từ chính sách "Ngoại giao cây tre" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tạo ra tác phẩm "Cây tre Việt Nam" để tưởng nhớ nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng.
Văn hóa - nguồn sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước Văn hóa

Văn hóa - nguồn sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

TTTĐ - Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó là quan điểm của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học "50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Khắc sâu lời dạy của Tổng Bí thư về sáng tác và tuyên truyền Văn hóa

Khắc sâu lời dạy của Tổng Bí thư về sáng tác và tuyên truyền

TTTĐ - Từng vinh dự được biểu diễn phục vụ và lắng nghe những lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn luôn cố gắng phát huy vai trò của Đảng viên, nhạc sĩ, sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc tuyên truyền về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước bằng sự giản dị, chân thành và mang đậm hơi thở cũng như góc nhìn riêng của thế hệ trẻ.
Tình yêu dân tộc và sứ mệnh của người đứng đầu đất nước Văn hóa

Tình yêu dân tộc và sứ mệnh của người đứng đầu đất nước

TTTĐ - Suốt những năm qua, những chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều là "kim chỉ Nam" cho từng bước tiến, từng giai đoạn của đất nước, bao trùm mọi lĩnh vực, ngành nghề. Tập hợp những cuốn sách Tổng Bí thư để lại cho đời cho thấy tình cảm sâu nặng, suốt đời vì dân vì nước, cống hiến tận tâm tận lực của đồng chí.
Văn hóa Việt làm vẻ vang dân tộc bởi "người dẫn đường" tâm huyết Văn hóa

Văn hóa Việt làm vẻ vang dân tộc bởi "người dẫn đường" tâm huyết

TTTĐ - Với vai trò là "người dẫn đường" cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, suốt những năm qua, với tầm nhìn sâu rộng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vạch ra những đường lối về phát triển văn hóa, phát triển con người để đất nước ta vươn mình, khẳng định vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tôn vinh nghề sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết Giải trí

Tôn vinh nghề sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết

TTTĐ - TikTok Shop ra mắt chương trình "Nghề Chủ Chốt" với sự tham gia của 10 Affiliate Creator nổi bật cùng với những câu chuyện hậu trường lần đầu được "bật mí", mang đến góc nhìn mới và toàn diện hơn về nghề sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết.
Hoãn chương trình nghệ thuật “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình” Điện ảnh - Âm nhạc

Hoãn chương trình nghệ thuật “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”

Ban Tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình” thông báo, chương trình dự kiến diễn ra vào tối 19/7 tại Kỳ đài bờ Bắc - Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương tỉnh Quảng Trị sẽ được hoãn vì lý do kỹ thuật.
Khởi động cuộc thi “Thiết kế National Costume” chủ đề “My Vietnam” Thời trang - Làm đẹp

Khởi động cuộc thi “Thiết kế National Costume” chủ đề “My Vietnam”

TTTĐ - Ban Tổ chức Mister Vietnam thông báo tổ chức tuyển chọn “Thiết kế National Costume” dành cho các đại diện Việt Nam sẽ tham gia các cuộc thi dành cho nam lớn nhất thế giới với những giải thưởng hấp dẫn.
Tái hiện chuyện tình giữa công chúa nhà Nguyễn và thương nhân Nhật Bản Văn hóa

Tái hiện chuyện tình giữa công chúa nhà Nguyễn và thương nhân Nhật Bản

TTTĐ - Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã công diễn kịch kể chuyện âm nhạc đặc biệt opera “Công nữ Anio”. Câu chuyện tình yêu của công chúa Ngọc Hoa và chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro một lần nữa khiến khán giả xúc động.
Xem thêm