Bài 2: Uy tín tạo nên thương hiệu miến dong Tài Hoan
Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan đang từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu để đông đảo người tiêu dùng biết đến
Bài liên quan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mong thương hiệu Việt ngày càng vươn xa bền vững
Bài 1: Bước chuyển mình của vùng quê nông thôn mới Kim Lư
Quốc Oai đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới được tổ chức tại Nam Định
Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng đô thị
Từng bước xây dựng thương hiệu
Hợp tác xã sản xuất Miến dong Tài Hoan là một trong những địa chỉ sản xuất miến dong có quy mô lớn, chất lượng đạt tiêu chuẩn, được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn và được đánh giá 4 sao.
Mặc dù thành lập từ năm 2007 nhưng phải đến khi địa phương triển khai chương trình nông thôn mới, Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan mới có sự bứt phá mạnh về chất lượng và sản lượng sản phẩm.
Từ những khó khăn ban đầu, cơ sở sản xuất miến dong Tài Hoan luôn xác định tiêu chí hàng đầu là chất lượng, từng bước khẳng định và phát triển thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh nông sản thực phẩm, góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề làm miến lâu năm của xã Côn Minh.
Cơ sở sản xuất miến dong Tài Hoan nằm ngay ven đường quốc lộ 3B từ thành phố Bắc Kạn về huyện Na Rì. Trên đường đi, chúng tôi thấy dọc các triền đồi, thửa ruộng, người dân hối hả thu hoạch dong riềng để bán cho các cơ sở sản xuất tinh bột và làm miến.
Những chuyến xe của thương lái dưới xuôi lên thu mua miến cũng tấp nập ra vào. Các cơ sở sản xuất miến cũng “căng sức” để sản xuất hết công suất làm sao có hàng kịp giao cho thương lái.
Chúng tôi dừng chân tại Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan đúng lúc chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã đang tất bật chốt đơn hàng cho các thương lái thu mua miến, vừa kiểm tra quy trình sản xuất tại xưởng.
Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, chị vừa phải chỉ đạo sản xuất tại xưởng chế biến thành phẩm. Sở dĩ chị Hoan bận rộn như vậy do hiện đang vào mùa sản xuất miến dong mới nên đơn đặt hàng nhiều, phải tăng cường sản xuất mới đảm bảo sản lượng miến giao cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan (đứng giữa) giới thiệu về quy trình sản xuất miến với cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn |
Chị Nguyễn Thị Hoan chia sẻ: Côn Minh là vùng làm miến dong lâu đời nhất Bắc Kạn, miến dong Côn Minh được làm hoàn toàn từ tinh bột củ dong riềng và bằng phương pháp thủ công, không sử dụng hóa chất nên sợi dai, giòn, vị ngọt mát, thơm ngon rất đặc trưng.
Hiện nay, xã Côn Minh có 32 cơ sở chế biến, trong đó có 8 xưởng chuyên sản xuất miến, 15 xưởng vừa sản xuất tinh bột vừa làm miến, số còn lại sản xuất tinh bột để bán.
Kể lại những ngày đầu bắt tay làm quen với nghề làm miến, chị Hoan nói: Nghề làm miến dong đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Hàng năm, cứ vào độ cuối tháng 2 Âm lịch, những gia đình làm miến lại vác cuốc lên nương trồng dong riềng. K
hông mất nhiều công sức chăm bón nhưng phải đợi đến tận cuối năm, khi cây dong riềng bắt đầu lụi, thân cây khô héo, bà con mới thu hoạch về để làm miến. Đây cũng là lúc vào vụ miến mới. Mấy năm trở lại đây, khi công nghệ bảo quản tinh bột dong tốt hơn thì họ có thể sản xuất miến quanh năm.
“Thời điểm tôi mới làm miến, tôi gặp phải rất nhiều khó khăn. Toàn bộ số tiền của gia định dành dụm trong nhiều năm khoảng gần 5 triệu đồng được sử dụng để đầu tư nhà xưởng, mua nguyên liệu để sản xuất. Lúc đó, chưa có nhiều máy móc hiện đại như bây giờ nên hầu hết các công đoạn đều làm thủ công. Sau vụ miến đầu tiên thành công, tôi quyết định vay vốn của các nguồn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.
Nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như của gia đình tôi mới được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển. Cùng với đó là chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP nên thương hiệu Miến dong Tài Hoan mới đến được với đông đảo người dân tiêu dùng”, chị Hoan chia sẻ.
Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan đang từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu để đông đảo người tiêu dùng biết đến |
Với mong muốn đưa cơ sở ngày càng vươn lên chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu có chất lượng đáp ứng thị trường khó tính, hợp tác xã chú trọng làm tốt từng khâu, từ việc chọn sản phẩm dong riềng đảm bảo an toàn làm nguyên liệu; các thành viên làm việc trong hợp tác xã là những người được lựa chọn, có kỹ thuật, kinh nghiệm lâu năm làm miến dong, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm với sản phẩm mình làm ra.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan cũng đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất; thường xuyên quán triệt đến từng thành viên thực hiện nghiêm túc các quy chế hoạt động, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động... Hiện nay, hợp tác xã đã đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc sản xuất gồm 1 máy nghiền củ, 1 máy lọc tách bột có công suất 10 tấn/ngày, 1 máy tráng, 1 máy cắt và hệ thống đóng gói bao bì khép kín...
Không chỉ đầu tư công nghệ khép kín, hợp tác xã còn xây dựng hầm biogas nhằm xử lý toàn bộ chất thải, phụ gia như bã, vỏ… dong riềng làm chất đốt. Quy trình sản xuất của hợp tác xã như một vòng quay tái tạo, vừa giúp hợp tác xã tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường lại mang lại hiệu quả kinh tế.
Phát huy hiệu quả xóa đói, giảm nghèo
Được sự hỗ trợ về cơ chế, giống, vốn, phân bón của Nhà nước nên cây dong riềng ở Côn Minh đang ngày càng phát huy hiệu quả giúp dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Mỗi vụ sản xuất, các cơ sở chế biến tinh bột dong trên địa bàn thu hút trên 200 lao động, đặc biệt vào dịp áp Tết, làng miến dong nhộn nhịp, tấp nập hơn cả.
Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan cho biết: Mỗi năm, Hợp tác xã miến dong Tài Hoan đã giúp người trồng dong riềng ở địa phương tiêu thụ được trên 1.500 tấn củ dong riềng; sản xuất trên 225 tấn bột và khoảng 150 tấn miến dong. Hiện nay, hợp tác xã có khoảng hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Vụ dong riềng 2018, hợp tác xã đã hợp đồng tiêu thụ dong riềng cho các hộ dân ở 5 xã trên địa bàn huyện, gồm: Cư Lễ, Hảo Nghĩa, Quang Phong, Đổng Xá và Côn Minh. Hợp tác xã luôn thực hiện nghiêm túc việc hợp đồng với những hộ trồng dong riềng, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho bà con nhân dân. Hoạt động của hợp tác xã cũng tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng/ người/tháng.
Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã có đủ bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận của ngành chuyên môn về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định |
Giám đốc HTX miến dong Tài Hoan chia sẻ thêm: Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã có đủ bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận của ngành chuyên môn về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các kênh bán hàng online... trong đó, đã góp mặt tại siêu thị Hapro, Big C ở Hà Nội.
Tuy nhiên, chị Hoan cũng trăn trở một điều là hiện nay các cơ sở sản xuất miến dong đã không còn làm thủ công do năng suất thấp, thay vào đó họ làm bằng máy nhanh hơn và cho năng suất cao hơn. Điều này đã làm mai một đi nét đẹp, nét văn hóa và đặc trưng của làng nghề làm miến dong truyền thống.
Miến dong Bắc Kạn đã khẳng định được thương hiệu, được nhiều người biết đến và đặc biệt còn lọt vào top “100 Sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng năm 2013”. Miến dong Bắc Kạn cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể; qua đó, giúp quảng bá sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của cả người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế và thị phần trên thị trường, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân tạo điều kiện tốt để các cấp, các ngành và bà con nông dân phát triển trồng và chế biến cây dong riềng trên địa bàn.
Tuy nhiên, để nghề làm miến dong phát triển bền vững cũng như đưa cây dong riềng trở thành cây trồng chủ lực thì cần có một chính sách quy hoạch vùng trồng hợp lý, hỗ trợ và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu và bảo vệ nhãn hiệu tập thể. Có như vậy mới giúp người dân yên tâm trồng dong riềng và sản xuất miến dong, đưa sản phẩm miến dong vươn xa hơn nữa.
(Còn nữa)
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương