Bài 2: Vui buồn cùng những bệnh nhân F0
Chiến sĩ áo trắng và cuộc “đối đầu” với COVID-19 |
Chuyện không quên
Tham gia “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” từ tháng 8/2021, trong đó, chị Giang chịu trách nhiệm hỗ trợ các F0 tại Quận 3 của Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những kỷ niệm đến giờ chị không thể quên, đó là những ngày đầu khi vừa tham gia gọi điện hỗ trợ người bệnh. Một gia đình cả 4 người đều bị nhiễm COVID-19. Khi chị Giang gọi điện tư vấn điều trị thì các thành viên đã mắc bệnh 3-4 ngày, trong đó, cụ bà bị tiểu đường đã rơi vào tình trạng lơ mơ, đáp ứng kém…
Ngay lập tức, chị Giang đã gọi videocall để đánh giá tình trạng bệnh, sau đó liên hệ với bên cấp cứu nhanh chóng đưa người bệnh đến viện. Tuy nhiên, lúc đó Thành phố Hồ Chí Minh đang bị quá tải, việc tiếp cận với lực lượng 115 rất khó khăn, hơn nữa người bệnh lại trong khu phong tỏa, ngõ ngách sâu, do vậy xe cấp cứu không thể đến kịp. Bệnh nhân đã không qua khỏi.
Bác sĩ trẻ Hà Thị Hương Giang |
“Mặc dù đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không cứu được bệnh nhân, tôi cảm thấy rất buồn và áy náy. Một vài ngày sau, cụ ông vì đau thương quá độ do vợ mất nên bệnh cũng chuyển nặng. Chúng tôi phải theo dõi rất sát sao, ngoài hướng dẫn cách điều trị, theo dõi, tập luyện để nâng cao sức khỏe còn phải kết hợp với gia đình động viên tinh thần người bệnh và may mắn ông đã vượt qua được…”, bác sĩ Giang chia sẻ.
Sau khi hồi phục sức khỏe, gần như là ngày nào chị Giang cũng nhận được cuộc gọi của cụ ông tâm sự những kỷ niệm về bà… Điều khiến chị cảm động, đến giờ đã 6 tháng trôi qua nhưng thỉnh thoảng ông vẫn gọi điện hỏi thăm, động viên chị cố gắng công tác tốt, làm nhiều việc thiện giúp ích cho đời và kết thúc cuộc gọi luôn là lời cảm ơn của ông gửi đến các y, bác sĩ "đã hồi sinh sự sống cho nhiều phận đời".
Trong cuộc chiến chống COVID-19, nhiều bác sĩ tình nguyện như chị Giang dù không có mặt trực tiếp nhưng luôn song hành cùng bệnh nhân.
Bác sĩ Hương Giang tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân F0 |
"Trong quá trình hỗ trợ người bệnh, chúng tôi không dám rời điện thoại, máy tính lúc nào cũng kè kè bên mình. Có khi đang đi trên đường, chúng tôi phải dừng lại mở máy tính để kịp thời chuyển bệnh nhân đi cấp cứu, chậm giây nào là nguy hiểm tính mạng đến giây đó", bác sĩ Giang tâm sự.
Luôn đồng hành cùng người bệnh
Dù không trực tiếp vào miền Nam chống dịch nhưng chị Giang đã song hành, hỗ trợ hàng nghìn bệnh nhân, cùng họ chiến đấu với dịch bệnh. Khoảng thời gian đó để lại cho chị rất nhiều kỷ niệm vui, buồn. Có những bệnh nhân chỉ chậm một chút đã không giữ được tính mạng. Cũng có nhiều gia đình nhờ sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của chị đã vượt qua dịch bệnh.
Khi dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh hạ nhiệt, Thủ đô bước vào giai đoạn căng thẳng, chị Giang lại tiếp tục đảm đương nhiệm vụ tham gia "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" ở Hà Nội. Trong đó, chị trực tiếp hỗ trợ bệnh nhân tại quận Hai Bà Trưng.
Bác sĩ Hương Giang tham gia khám bệnh tình nguyện cho người dân |
"Với nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y tế địa phương cũng như "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành", chúng tôi kịp thời phân tầng nguy cơ, phối hợp phân luồng bệnh nhân để giúp họ tiếp cận hỗ trợ y tế kịp thời và nhanh chóng nhất”, bác sĩ Giang cho biết.
Với mong muốn chăm sóc sức khỏe cho gia đình và bản thân, ngay từ nhỏ chị Giang quyết tâm theo học ngành Y. Năm 2016, chị về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn tại bệnh viện, là bác sĩ trẻ, chị tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Trong đó, năm 2021, chị đã tích cực kêu gọi, vận động các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng dễ tổn thương, trẻ em nghèo, bệnh nhi… tổng trị giá hơn 500 triệu đồng.
Bác sĩ Hương Giang tham gia hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn |
Chị cũng là trưởng đoàn thầy thuốc trẻ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương phối hợp các đơn vị kêu gọi 15 bác sĩ, 13 điều dưỡng, 25 tình nguyện viên tham gia chương trình: Khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí tới gia đình chính sách và đối tượng xã hội tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Tại đây, hơn 600 đối tượng gia đình chính sách, người bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật và người dễ bị tổn thương được khám, cấp thuốc miễn phí, tư vấn các bệnh thường gặp…
Sau mỗi chuyến đi, niềm vui của chị Giang là giúp nhiều người sống khỏe mạnh hơn, mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng và thêm tự hào về nghề đã lựa chọn.
“Nghề của tôi có thể chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Thời gian này, chúng tôi vất vả hơn rất nhiều khi hàng ngày tiếp nhận hàng chục cuộc gọi từ bệnh nhân F0. Tuy nhiên, nhìn lại hiệu quả đem lại cho cộng đồng tôi thấy rất vui và hạnh phúc”, bác sĩ Giang tâm sự.
Là bác sĩ quản lý, thuộc Ban điều hành của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, bác sĩ Hà Thị Hương Giang đã trực tiếp quản lý, kết nối, đào tạo và hỗ trợ nhóm tư vấn 770, 007 với 152 tình nguyện viên là sinh viên y khoa, dược sĩ, điều dưỡng và bác sĩ trên cả nước, chủ động liên hệ với bệnh nhân COVID-19 và những người đang có nguy cơ cao. Bản thân chị thực hiện hơn 1.000 cuộc gọi sàng lọc mức độ bệnh, 3.198 phút gọi tư vấn và quản lý theo dõi 147.001 bệnh nhân F0; Sàng lọc phân nhóm các bệnh nhân thành nhóm nguy cơ theo 5 mức độ, từ đó đưa ra khuyến cáo theo từng mức độ như: Tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu. Chị cũng hỗ trợ liên hệ chuyển cấp cứu 136 bệnh nhân nặng; Trực tiếp kết nối ATM hỗ trợ bình oxy, thuốc điều trị, thực phẩm miễn phí cho 106 F0 có hoàn cảnh khó khăn. |
(Còn nữa)