Chiến sĩ áo trắng và cuộc “đối đầu” với COVID-19
Sao Mai Hiền Anh làm MV tươi vui, ấm áp về những chiến sĩ áo trắng Đồng chí Nguyễn Phong Sắc: Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Hà Nội |
Bài 1: Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi được sống thêm lần nữa
Đó là câu nói của một bệnh nhân khi được bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ và đã vượt qua COVID-19. Câu nói đó đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho bác sĩ trẻ trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Đồng sáng lập "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành"
Về Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai được 5 năm, anh Bách khiến nhiều người ấn tượng không chỉ bởi trình độ chuyên môn mà cả những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Năm 2021, anh là một trong những người sáng lập Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ hàng trăm nghìn F0 điều trị tại nhà, nhất là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách |
Anh Bách kể: “Khi dịch bùng phát với số ca mắc mới liên tục tăng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã lên phương án nhằm phân tầng bệnh nhân và giảm áp lực cho y tế địa phương. Khi tiến hành thăm dò, chúng tôi nhận ra đa số bệnh nhân bị hoảng loạn do không tiếp cận được với y tế. Nếu có bác sĩ và nhân viên y tế hướng dẫn, họ sẽ bình tĩnh, tự theo dõi để vượt qua dịch bệnh”.
Từ thực tiễn đó, anh Bách và các đồng nghiệp đã có sáng kiến thành lập “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” vào tháng 7/2021. Mạng lưới hoạt động tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ… với sự tham gia của hàng nghìn bác sĩ và nhân viên y tế trên cả nước. Bản thân anh Bách tham gia vừa điều phối, tuyển dụng, đào tạo tình nguyện viên, vừa trực tiếp theo dõi, tư vấn hỗ trợ cho nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà.
Anh Bách vẫn còn nhớ một lần khi gọi điện hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Người bệnh phát hiện dương tính đã gọi điện cho y tế địa phương nhưng không liên lạc được nên rất hoảng loạn.
Bác sĩ Đỗ Doãn bác hiện đang làm việc tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai |
Khi được bác sĩ “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe, bệnh nhân đã òa khóc và nói: "Tôi bị sốt mấy ngày nay rồi nhưng không có ai chăm sóc, tôi rất sợ...". Sau khi động viên, giúp bệnh nhân bình tĩnh lại, các bác sĩ đã hướng dẫn cách dùng thuốc, theo dõi các chỉ số SpO2, huyết áp… cũng như chế độ dinh dưỡng, tập luyện để nâng cao sức khỏe…
Vài ngày sau, bệnh nhân gọi điện khoe: "Được bác sĩ tư vấn gọi điện hỏi thăm mỗi ngày, tôi thấy yên tâm hơn và dường như bệnh cũng hồi phục nhanh hơn… Tôi cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi được sống thêm lần nữa"…
"Những tiếng nói nhát ngừng của người bệnh khiến chúng tôi cũng rất xúc động. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực giúp chúng tôi cố gắng hơn, để làm sao hỗ trợ được nhiều bệnh nhân nhất có thể" anh Bách tâm sự.
Nỗ lực vì sức khỏe người dân
Từ tháng 8/2021, anh Bách cùng nhiều y, bác sĩ của Thủ đô lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh. Dù luôn trong tâm thế sẵn sàng nhưng vẫn có những tình huống bất ngờ xảy ra. Theo thông báo, anh sẽ lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh đợt 2 nhưng một bác sĩ không thể vào đợt một nên anh được gọi bổ sung.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách và những ngày tại bệnh viện dã chiến |
“5 giờ sáng tôi nhận được thông báo và chỉ có 3 tiếng chuẩn bị để lên đường. Người thân trong gia đình có chút ngỡ ngàng nhưng với tinh thần tình nguyện luôn sẵn sàng nên tôi nhanh chóng có mặt”, anh Bách chia sẻ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Bách làm việc ở Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 16. Dù hiểu dịch bệnh vô cùng phức tạp nhưng ngày đầu làm việc anh vẫn bị sốc bởi bệnh nhân nặng liên tục được chuyển vào điều trị. Thực tế khốc liệt hơn những gì anh được tập huấn trước đó.
Tuy nhiên, chính sự kiên cường, sẻ chia cùng các đồng nghiệp đã giúp anh Bách vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc 2 tháng điều trị người bệnh nhiễm COVID-19 mức độ 5 theo phân tầng 5 cấp của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 2/8 - 5/10/2021). Anh cùng các đồng nghiệp của mình đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhân nặng từ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Đặc biệt, sau gần một tháng tham gia hoạt động của trung tâm hồi sức tích cực, anh đã tham gia điều trị hơn 200 bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Các bác sĩ từ Thủ đô trong đó có anh Bách trực tiếp tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 tháng |
Rời thành phố mang tên Bác trở về Hà Nội, anh Bách tiếp tục tham gia “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” và tổ tiêm vắc xin của bệnh viện nhằm hỗ trợ người bệnh, đẩy lùi dịch COVID-19.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành Y nhưng ban đầu anh Bách lại lựa chọn trường Đại học Giao thông vận tải làm nơi học tập. Từ sự động viên của ông nội, anh mới quyết định theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc.
Trở về Việt Nam, anh tiếp tục theo học chuyên sâu ngành tim mạch và về làm việc tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Nhằm chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt hơn, ngoài công tác chuyên môn, tham gia các hoạt động tình nguyện, anh còn cùng nghiên cứu và phát triển các đề tài cơ sở và Nhà nước tại bộ môn Tim mạch và Viện Tim mạch Việt Nam.
Anh cũng thực hiện nhiều chương trình truyền thông tim mạch, đóng góp công sức vào thành công của Đại hội Tim mạch lần thứ XVII của Hội Tim mạch học Việt Nam.
(Còn nữa)