Bài 3: Bài học chưa bao giờ cũ, phải siết chặt quản lý chung cư mini
Hiểm họa cháy nổ tại chung cư mini: "Bịt lỗ hổng" pháp lý, tìm lối thoát cho dân |
Phòng cháy, phải bắt đầu từ ý thức
Chỉ trong hai giờ đêm 12, rạng sáng 13/9, đám cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã khiến 56 người chết, 37 người bị thương. Vụ hỏa hoạn có số người chết lớn nhất trong 21 năm qua, chỉ sau vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế ITC ở TP HCM năm 2002 (60 người chết, 70 người bị thương). Hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra, cả chủ quan và khách quan.
Một ngày sau vụ cháy, chủ chung cư mini Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, trú quận Cầu Giấy) đã bị khởi tố, tạm giam 4 tháng về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy nhận định, đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khi số người tử vong rất nhiều.
Vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã khiến 56 người chết, 37 người bị thương |
"Trong điều kiện xảy ra đám cháy tâm lý mọi người thường rất hoảng loạn, thậm chí có chìa khoá nhưng cuống quá không biết cắm thế nào vào ổ để mở ra, hơn nữa lại mất điện, ban đêm tối om… Chỉ chậm vài phút là cũng đủ gây thiệt hại về người và tài sản", Đại tá Xiêm chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Xiêm cũng cho rằng, chủ đầu tư công trình chung cư mini tại Khương Hạ đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Qua tìm hiểu, theo giấy phép xây dựng mà cơ quan chức năng cấp cho chủ chung cư mini ở ngõ 29, phố Khương Hạ, công trình có chiều cao 6 tầng. Tuy nhiên trên thực tế, công trình hiện đang có 9 tầng, 1 tum. Đại tá Xiêm cho rằng như vậy là sai quy định. Ngoài ra, số lượng xe máy để ở tầng 1 quá nhiều, thậm chí sai quy định phòng cháy chữa cháy. "Những trường hợp thương vong nhiều do cháy đa phần đều không có lối thoát nạn", ông Xiêm nhấn mạnh.
Đã có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, ông Xiêm cũng đưa ra nhiều lời khuyên cho người dân để thoát nạn khi sự cố cháy nổ tại các tòa nhà chung cư xảy ra.
Theo chuyên gia, Luật Phòng cháy chữa cháy quy định rất rõ các nhà ở phải có 2 lối thoát hiểm. Cụ thể, lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ 2 ở vị trí nào, như thế nào phải dựa trên cơ sở cấu trúc, kết cấu của toà nhà.
"Lối thứ 2 có chiều rộng tối thiểu 60cm, to hơn chiều rộng vai người. Ở tầng cao bắt buộc gia đình phải tự lo tìm cách thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp", Đại tá Ngô Văn Xiêm tiếp tục phân tích.
Các gia đình ở chung cư mini nên trang bị cho mình bộ thang dây để thoát nạn trong các tình huống khẩn cấp |
Bên cạnh đó, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy nhấn mạnh sự cần thiết phải phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Cụ thể, cần phải thiết lập và đẩy mạnh vai trò của tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư. Các hộ cần thống nhất với nhau về việc thiết lập hành lang an toàn để người từ nhà này có thể thoát sang nhà kia khi sự cố xảy ra.
Để tự bảo vệ an toàn, ông Xiêm đưa ra lời khuyên, các gia đình ở chung cư mini nên trang bị cho mình bộ thang dây. Đây có thể là "đường thoát" quan trọng khi hoả hoạn xuất hiện. Thực tế, ngay trong vụ cháy tại chung cư mini Khương Hạ, không ít nạn nhân đã thoát được ra ngoài nhờ hệ thống đơn giản mà hữu ích này.
"Quan trọng nhất đó là sự hiểu biết của người dân, nói mãi điều kiện an toàn, nguy hiểm rồi nhưng nhiều người vẫn không nghe. Trong đám cháy khói là khí độc rất nguy hiểm, chỉ 2, 3 phút mất cảm giác sẽ gây tử vong. Khi xảy ra cháy người dân phải biết ứng xử thông minh, an toàn cho mình và gia đình", ông Xiêm nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: Khi xảy ra cháy, người dân cần bình tĩnh, xác định nhanh chóng và chính xác vị trí sẽ móc thang dây rồi thay nhau trèo xuống an toàn. Trong lúc nguy cấp không được quá hoảng sợ, thực hiện quy định hướng dẫn thoát nạn an toàn của cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, nhất là cán bộ quản lý cơ sở.
"Một cách đơn giản hơn, các hộ gia đình nên lắp đặt hệ thống báo cháy sớm. Điều này cũng là để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người", ông Xiêm nói thêm.
Làm rõ trách nhiệm, tổ chức cá nhân sai phạm
Trước tình hình nghiêm trọng của vụ cháy, ngày 15/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với 100% chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn quản lý; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Chung cư mini ở các quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên… hay huyện Thanh Trì đều được chủ đầu tư xây dựng ở trong các ngõ nhỏ hẹp |
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Thời gian thực hiện từ ngày 15/9 đến trước ngày 30/10.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ.
Đặc biệt là vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư mà điển hình là vụ cháy tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) vừa qua, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản.
Bộ Xây dựng yêu cầu: Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đã hoàn thành thì phải khẩn trương rà soát toàn bộ các công trình này để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng đặc biệt là vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Từ đó có giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở và có lối thoát nạn riêng; Đầu tư trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; Bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với các công trình nêu trên khi xây dựng mới thì các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, trong hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng xây dựng chung cư mini với nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành.
Việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát và nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.”
Cũng theo ông Châu, Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín.
“Quy định này đã dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mi ni, chung cư ‘hộp diêm’ làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị; Trong đó có yếu tố mất an toàn về phong cháy chữa cháy", ông Châu phân tích.
Trong thư thăm hỏi gửi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm thông sâu sắc với những mất mát, đau thương của người dân và gửi lời chia buồn đến gia đình người bị nạn.
Tổng Bí thư đề nghị TP Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về sự cố này; Yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. Tổng Bí thư đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác PCCC trên cả nước; Hướng dẫn, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời với sự cố cháy nổ.
Hà Nội kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng tại quận Thanh Xuân Ngày 15/9, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Đây là nội dung Thông cáo báo chí do Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát hành chiều 15/9. Theo Thông cáo, đêm 12, rạng sáng 13/9/2023, xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại tòa nhà chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200m2, cao 9 tầng, 1 tum, là nơi cư trú của khoảng 150 người. Vụ cháy đã làm 56 người tử vong và 37 người bị thương. Kết quả điều tra ban đầu của Công an thành phố xác định tại ngôi nhà xảy ra cháy có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng và quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Ngày 13/9, cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ tòa nhà chung cư mini nêu trên. Thông cáo cũng cho biết, việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng nêu trên nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo liên quan. Nội dung kiểm tra cụ thể, bao gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 và Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; Luật Phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 31/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận Thanh Xuân. Kiểm tra, xem xét, xử lý theo quy định đối với các tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan để xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại nhà số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Đoàn Kiểm tra gồm 12 đồng chí là đại diện Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương và Cục cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an... Đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương làm Phó trưởng Đoàn Thường trực. |