Bài 3: Cô sinh viên dân tộc Mông "còn sức, còn đi chống dịch"
Xúc động với những bức thư của người trẻ Hà Nội tha thiết xin đi chống dịch |
Chuyện sinh viên trường Y viết tâm thư xin đi chống dịch Covid-19 |
Muốn đi chống dịch…
Sùng Y Tớ (sinh năm 1999) là sinh viên năm thứ 4, ngành Điều dưỡng, trường Đại học Phenikaa (Hà Nội). Trong mùa dịch bệnh khắc nghiệt nhưng cô gái nhỏ nhắn luôn mạnh mẽ. Dù biết hiểm nguy, tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng không ngăn được bước chân tình nguyện của Sùng Y Tớ. Lý do để cô sinh viên năm cuối lên đường tình nguyện gói gọn đơn giản trong những từ “muốn đi chống dịch”.
Cô sinh viên dân tộc Mông Sùng Y Tớ |
Cô gái cho biết, cách đây vài tháng, cô cùng các bạn ở trường Phenikaa đã tham gia chống dịch tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khi ấy, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở đó. Khí thế sinh viên ngành y, điều dưỡng “tiếp sức” cho đồng bào nơi tâm dịch cứ sục sôi như sức trẻ của họ. “Mình nghĩ, ở độ tuổi này, thứ có nhiều nhất là sức trẻ, nhiệt huyết, bởi vậy, cứ đi thôi, góp thêm một phần công sức của mình, giúp Nhân dân”, Sùng Y Tớ nói.
Nhà không quá xa Hà Nội nhưng mấy tháng rồi cô sinh viên chưa về thăm gia đình, người thân. Quê ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, bố mẹ làm nương rẫy, Y Tớ là chị gái đầu, sau cô còn 3 em nhỏ. Ngay từ khi học cấp 2, Y Tớ đã phải xa gia đình đi học ở trường nội trú. Sớm rời vòng tay bố mẹ, cô phải vững vàng, cứng rắn hơn trong cuộc sống. Có lẽ bởi thế, cô gái dân tộc Mông cũng chứa chan lòng bao dung, tình cảm sẻ chia với mọi người.
Sùng Y Tớ cùng bạn đi tình nguyện chống dịch tại Bắc Ninh |
Nhớ lại những ngày tình nguyện chống dịch ở Bắc Ninh, Sùng Y Tớ trải lòng: “Khi trực tiếp làm nhiệm vụ cùng các y, bác sĩ, điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ giữa trời nắng, vừa lấy mẫu, vừa phải giữ gìn sao cho bản thân được an toàn, mình “thấm” sự vất vả của lực lượng tuyến đầu. Mỗi lần bỏ bộ đồ bảo hộ ra, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Chẳng ai nhắc gì đến bố mẹ, gia đình, mọi người chỉ nhìn nhau qua bộ đồ bảo hộ mà nỗi nhớ nhà, nhớ người thân lại da diết”.
Mình không đi thì ai sẽ đi!
Covid-19 trở thành “thế lực” vô hình ngăn cản sự đoàn tụ, gây bao thương đau. Chính cô sinh viên cũng chưa thể trở về nhà thăm bố mẹ, các em. “Mắc kẹt” lại Hà Nội, cũng chưa được đi học trở lại, lý tưởng thường trực trong suy nghĩ “muốn đi tình nguyện” luôn thôi thúc cô lên đường. Vậy nên, dù không biết ngày trở về nhưng Sùng Y Tớ một lần nữa đăng ký tham gia chống dịch.
Cô gái trẻ rất yêu nghề y (Ảnh tư liệu) |
Cô gái trẻ cười: “Nhìn những tấm gương đi trước, mình thì còn trẻ và bản thân cũng đã có kinh nghiệm tình nguyện chống dịch trở về an toàn. Lần này, mình muốn đóng góp sức trẻ để tiếp tục chống dịch. Mình là sinh viên, cũng không có nhiều điều vướng bận, bố mẹ dù rất sợ con gặp nguy hiểm nhưng luôn động viên hãy làm những gì mình muốn… Mình không đi thì ai sẽ đi!”.
Ước mơ từ bé của Y Tớ là được làm nghề y. Ngày trước, cô từng bị tai nạn ngã xe máy và phải đi viện ròng rã một năm trời. Đến bệnh viện, cô được các y, bác sĩ chăm sóc, chữa trị tận tình nên càng đem lòng yêu nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT, Y Tớ đã đăng kí xét tuyển vào ngành Điều dưỡng, trường Đại học Phenikaa.
Sùng Y Tớ cùng sinh viên trường Phenikaa lên đường đi tình nguyện chống dịch tại Bắc Ninh |
Khi Thành đoàn Hà Nội, nhà trường kêu gọi tình nguyện, cô gái nhanh chóng vào đăng ký. Y Tớ chia sẻ, cô đăng ký cả tình nguyện ở các tỉnh phía Nam và Hà Nội, được nơi nào gọi thì sẵn sàng đi về phía đó.
Cô sinh viên bày tỏ, kiến thức của 4 năm học đại học, đi lâm sàng, học thực tế ở nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Hà Nội… là hành trang cho cô trong chuyến tình nguyện ở Bắc Ninh. Lần này, cô cũng nuôi hy vọng được chọn đi và lại chiến thắng trở về.
(Còn nữa)