Bài 3: Đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân là trên hết, trước hết
Bài 2: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai... Bài 1: Ngành Nông nghiệp - “xương sống” vực dậy kinh tế |
Thần tốc xét nghiệm, tiêm chủng phòng Covid-19
Từ ngày 10 - 15/9, hòa trong không khí khẩn trương của toàn thành phố Hà Nội trong chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng quy mô lớn, hệ thống y tế huyện Mê Linh đã nỗ lực đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Lực lượng y tế huyện Mê Linh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân thôn Đường 23, xã Thanh Lâm |
Ông Nguyễn Thành Khang, Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh cho hay, tính riêng trong ngày 10/9, huyện Mê Linh triển khai 290 điểm lấy mẫu và ngày 11/9 triển khai 150 điểm, hoàn thành lấy 80.400 mẫu sàng lọc Covid-19 (đạt 100% số mẫu được phân bổ và hoàn thành sớm so với kế hoạch thành phố giao, xong trước ngày 15/9). Đến cuối ngày 15/9, tất cả các mẫu xét nghiệm Covid-19 của huyện Mê Linh đều cho kết quả âm tính.
Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng tại huyện Mê Linh cũng được đẩy nhanh tiến độ. Số người từ 18 - 65 tuổi cần tiêm mũi 1 tại huyện Mê Linh là 167.287 người. Đến 18h ngày 15/9, huyện đã hoàn thành được 98% kế hoạch tiêm chủng.
Các y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Mê Linh tiêm vắc xin phòng Covid -19 cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại địa bàn huyện Mê Linh |
Ghi nhận của phóng viên, đa số người dân Mê Linh đều yên tâm phấn khởi vì được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc và tiêm chủng. Anh Phạm Chí Cuối (ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, Mê Linh) phấn khởi: “Tại điểm tiêm phòng, tôi được cán bộ y tế hướng dẫn rất chu đáo. Tôi cảm thấy may mắn vì đã được tiêm phòng để miễn dịch cho bản thân. Mọi người đừng chần chừ gì nữa, hãy nhanh tay đăng ký với chính quyền địa phương để được tiêm phòng. Nếu tất cả cộng đồng đều được tiêm thì cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại với chúng ta”.
Cùng chung tâm trạng đó, bà Bùi Thị Thuyến (ở thôn Đường 23, xã Thanh Lâm) cho biết: “Nghe thông báo trên loa truyền thanh, tất cả 6 người trong gia đình tôi đều đến điểm lấy mẫu để làm xét nghiệm Covid-19. Theo tôi, đây là việc làm rất cần thiết, giúp người dân yên tâm hơn”.
Bảo vệ thành quả chống dịch, tất cả vì sức khỏe Nhân dân
Từ đầu tháng 9, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp không nhỏ của ngành Y tế, huyện Mê Linh đã sớm trở thành “vùng xanh”. Đến ngày 21/9, thực hiện Chỉ thị 22 của UBND thành phố Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đã ký bản kế hoạch với những nội dung cụ thể nhằm bảo vệ thành quả chống dịch.
Đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ chốt trực kiểm tra "thẻ hồng", mang lại kết quả tích cực, giúp thị trấn Chi Đông giữ được "vùng xanh" |
Căn cứ bản kế hoạch nói trên, thời gian tới, huyện Mê Linh thực hiện các biện pháp cần thiết để tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho huyện Mê Linh và Thủ đô.
Nhằm đạt được mục tiêu như trên cho đến khi hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, huyện Mê Linh sẽ điều chỉnh các biện pháp phù hợp, đảm bảo an toàn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh duy trì các chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Mê Linh tiếp tục duy trì các chốt tự quản cũng như kiểm soát chặt chẽ các khu vực “nhạy cảm” như chợ buôn bán hoa quả Thanh Lâm, chợ hoa Mê Linh, chợ rau Tiền Phong... Đối với các trường hợp thường xuyên đi lại buôn bán ngoài địa bàn huyện, chính quyền Mê Linh giao cho các xã, thị trấn lập danh sách quản lý, yêu cầu ký cam kết đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch và xét nghiệm định kỳ... phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Xác định “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân”, huyện Mê Linh tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống chí trị và chính quyền các cấp quán triệt chống dịch là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, đề cao thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ. Tinh thần là vận động, hướng dẫn, đề nghị người dân tham gia phòng chống dịch tại các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư. Lấy xã, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” bảo vệ sức khỏe chính mình, gia đình và cộng đồng.
(Còn nữa)