Bài 3: Không xử lý vì tường quá cao!
Huyện Quốc Oai xử lý gần 100 vi phạm đất đai, trật tự xây dựng |
Bài 1: Tan hoang núi Na Bài 2: Câu chuyện của bà chủ đất |
Bỏ qua phản ánh của phóng viên, mảnh đất bị phá tan hoang
Ngày 11/5 vừa qua, nhận được tin báo của người dân về hiện tượng máy xúc đang hạ cốt nền, có dấu hiệu xâm phạm đường dân sinh và mồ mả tại núi Na (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh), phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có mặt tại hiện trường và ghi nhận thực tế đúng như phán ánh.
Tại thửa đất của bà T nằm sâu trong lòng núi đang có một máy xúc hoạt động, phá đá, đào đất, san gạt mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng. Đáng chú ý, tại thửa đất này vẫn tồn tại một phần mộ, máy xúc đào xới xung quanh để trơ trọi nơi an nghỉ của người đã khuất.
Máy xúc hoạt động tại thửa đất của bà T ngày 11/5 (ảnh nhỏ) và hiện trường sau khi chính quyền "kiểm tra xử lý" vào ngày 15/6 |
Sau đó, phóng viên đã đến trụ sở UBND xã Hiên Vân để thông tin về trường hợp có dấu hiệu vi phạm nêu trên. Tiếp nhận thông tin là ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hiên Vân. Ông Ngọc cho rằng nhân sự của xã mỏng nên không quản lý hết được các vi phạm xảy ra tại núi Na. Chủ tịch UBND xã Hiên Vân hứa hẹn sẽ cử cán bộ chuyên môn xác minh thông tin mà phóng viên cung cấp, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Hơn một tháng sau, ngày 15/6, phóng viên trở lại thửa đất nói trên. Bất chấp lời hứa của ông Nguyễn Bá Ngọc, việc hạ độ cao và san gạt đã hoàn thành. Có vị trí, vách núi bị đào khoảng 4 mét. Đất đá được san gạt thành 3 tầng, sẵn sàng cho việc xây dựng. Hoàn toàn không còn dấu hiệu của con đường dân sinh.
Dấu hiện hạ nền, san gạt rất rõ ràng |
Bên cạnh đó, so với thực trạng hồi tháng 5/2022, phóng viên ghi nhận thêm một nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông mọc lên sừng sững. Như vậy, từ lời hứa của lãnh đạo xã Hiên Vân đến thực tế là một khoảng cách rất xa, nếu không muốn nói là hoàn toàn đối lập.
Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó
Ngày 26/5, phóng viên đã có cuộc làm việc với đại diện UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) về hiện tượng hạ nền trái phép, dấu hiệu vận chuyển khoáng sản và trách nhiệm của chính quyền liên quan đến các công trình tại thôn Hiên Ngang (xã Hiên Vân). Ông Nguyễn Trọng Thịnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Du, được giao nhiệm vụ trao đổi thông tin với phóng viên.
Tường cao nên công tác xử lý gặp khó khăn |
Ông Nguyễn Trọng Thịnh thừa nhận, huyện Tiên Du đã nắm được sự việc xảy ra tại thôn Hiên Ngang và có những chỉ đạo xử lý. Theo ông Thịnh: “Theo luật hiện hành, kể cả việc hạ độ cao và san gạt trong khuôn viên thửa đất cũng phải báo cáo xin phép. Đồng thời, việc vận chuyển tận thu khoáng sản phải được cấp phép theo Luật Khoáng sản. Trong trường hợp xảy ra tại thôn Hiên Ngang, chính quyền đã có sự sơ sót”.
Bên trong những bức tường "quá cao" là công trình bề thế, nguy nga |
Lý giải cho sự “sơ sót” của chính quyền, ông Thịnh nói: “Hầu hết việc hạ độ cao, san gạt đều được tiến hành trong nội bộ thửa đất. Xung quanh thửa đất thì người dân xây tường rất cao nên chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện để ngăn chặn”.
Vị đại diện của UBND huyện Tiên Du cũng hứa hẹn thời gian tới, huyện sẽ thiết lập hồ sơ, xử lý các vi phạm và báo cáo các cấp. “Tinh thần là vi phạm đến đâu, xử lý đến đó”, ông Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định.
Phóng viên cũng liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến Tài (Bí thư Huyện ủy Tiên Du) về những dấu hiệu vi phạm nói trên và được thông tin: “Anh nói anh Ngọc kiểm tra việc này và xử lý nghiêm theo pháp luật”.