Bài 3: Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Ra được cuốn lịch sử Hà Nội mới yên tâm ngừng viết
Bài 1: Luôn háo hức, hồ hởi khi viết về Hà Nội |
“Sử nhân” của Hà thành
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến vẫn vậy, tấm áo sơ mi kẻ caro khoác ngoài, quần bàng bạc và mái tóc “bổ đôi” trông rất ngang tàng mà đầy chất nghệ sĩ như thuở ngang dọc khắp nơi để viết những bài phóng sự điều tra hay xâm nhập sâu vào đời sống, văn hóa của Hà Nội để tìm hiểu những chuyện có khi chẳng ai biết. Gọi ông là “sử nhân” của Hà thành không ngoa, bởi ẩn sau cái vẻ thâm trầm, đôi phần chậm rãi ấy là cả một kho tàng về những thứ “âm ti củ tỉ” trên đất này.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến vẫn hàng ngày miệt mài với những trang viết về Hà Nội |
Có lẽ, tố chất luôn muốn đi đến tận cùng sự việc của ông đã khiến hai công việc dường như chẳng liên quan đến nhau hóa ra lại rất gần gũi. Làm phóng sự điều tra hay khảo cứu các vấn đề về lịch sử luôn đòi hỏi việc phải tỉ mẩn, kì khu và dấn thân. Trò chuyện với Nguyễn Ngọc Tiến, bạn sẽ thấy thú vị như đang mở một cuốn sách mà mỗi trang đều hứa hẹn những bất ngờ khó đoán định.
Tôi hỏi tại sao ông lại viết về Hà Nội nhiều đến thế, có bao giờ ông thấy chán hay vơi cạn nguồn tư liệu hay không, Nguyễn Ngọc Tiến ngay lập tức lắc đầu. Ông vẫn với cách chậm rãi và chắc nịch của mình giải thích rất ngọn ngành. Bởi Hà Nội có quá nhiều điều để viết. Nếu như nhiều tỉnh thành khác có khi chỉ cần gói gọn trong một cuốn sách thì Hà Nội bao nhiêu cũng không đủ.
Hà Nội là kinh đô nhiều đời của cả nước ta, nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn cũng như những biến cố lịch sử. Hà Nội cũng là nơi hội tụ của nhân dân các vùng, là nơi giao thương của các quốc gia. Trải qua cả nghìn năm, cái gì tốt đẹp nhất về văn hóa, phong tục, ẩm thực được sàng lọc giữ lại tạo nên sự phong phú, đa dạng và riêng biệt như ngày nay.
Những tác phẩm viết về Hà Nội của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến |
Chưa có một đô thị nào mà có đến hơn 200 họ trên tổng số 300 họ của cả nước như Hà Nội. Tất cả những điều ấy, hòa trộn trong cả ngàn năm hình thành và phát triển sẽ là cảm hứng vô tận cho thơ ca nhạc họa cũng như những cuốn sách về vùng đất này.
Chính bởi vậy, dù đã nghỉ hưu nhưng tháng nào Nguyễn Ngọc Tiến vẫn viết hơn chục bài về Hà Nội cho các báo. Dấu ấn của ông càng rõ nét hơn trong những cuốn sách đều đặn cho ra đời suốt 12 năm qua.
Nếu “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” là những câu chuyện thú vị, ít người hiểu thấu đáo mà phải là những người “ở gần Tháp Rùa” mới có dịp chứng kiến thì “Đi ngang Hà Nội” là những khảo luận đầy ắp tư liệu, về rất nhiều chuyện từ "Xe đạp Hà Nội", "Xe máy", "Bia hơi", "Chơi đĩa than" cho tới… "Điếm xưa, điếm nay".
Rất nhiều tư liệu quý, hiếm mà ông rất mất công, thậm chí gặp không ít khó khăn để “truy tìm” trong sách, báo đã ấn hành; Gặp gỡ các nhà nghiên cứu, người cao tuổi sống lâu năm ở Hà Nội và trải nghiệm bản thân.
Với "Đi dọc Hà Nội", Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục triển khai góc nhìn mới về một số vấn đề, sự kiện, giúp người đọc biết về “người Tràng An thanh lịch” qua thú chơi hoa, qua lịch sử cầu Thê Húc, qua thuốc phiện và rượu lậu của một thời…
Một thời, thanh niên Hà Nội hay nói "Một chọi một lên cột đồng hồ", vậy cột đồng hồ đó ở đầu phố Hàng Đậu hay ở chỗ khác và tại sao họ lại thách đố nhau ở đó? Hay "Kẻ cắp chợ Đồng Xuân" đó là câu cửa miệng hay có hẳn tích về chuyện đó? Rồi tiếng rao Hà Nội và nhiều chuyện khác nữa cũng được Nguyễn Ngọc Tiến khắc họa đầy đủ trong cuốn sách này.
Rồi thì “Me Tư Hồng”, “Đi xuyên Hà Nội”, “Mong manh”, “Lính Hà”, “Chuyện quanh hồ Dâm Đàm” ở các lĩnh vực khác nhau, tản văn, khảo cứu, tiểu thuyết… Bao nhiêu trang sách là bấy nhiêu những câu chuyện khiến người đọc phải ồ, à. Bao nhiêu cuốn sách là bấy nhiêu câu chuyện xưa mà Nguyễn Ngọc Tiến đã kì công mang ra từ lớp bụi thời gian, làm bóng bẩy lại cho người đời nay đọc và ngẫm.
Luôn là người mở ra hướng viết mới
Những ngày cuối tháng 7, khi cái nóng vẫn còn hầm hập trên những tàng cây, Nguyễn Ngọc Tiến chọn ngồi ở sân vườn gần sát với vỉa hè một con phố lớn luôn ồn ào còi xe để nói về cuốn sách nữa sắp ra đời của mình. Tất nhiên, đó vẫn "chỉ là" và "chắc chắn" viết về Hà Nội.
“Thăng Long Kẻ, Hà Nội hàng” là những chuyện ít người biết, thậm chí cả những nhà nghiên cứu cũng không thể biết được mà anh, bằng “nghiệp vụ” của mình đã khảo cứu được. Tại sao nước hồ Gươm xanh, tại sao phố Tràng Tiền lại có những mái hiên ăn ra vỉa hè, nhà Toàn quyền ngày xưa thiết kế, xây như thế nào, có chuyện gì xảy ra trong đấy, tiếng Hà Nội đặc trưng ở chỗ nào…
Đây sẽ là cuốn sách thứ 6 ở lĩnh vực khảo cứu và là cuốn thứ 10 trong gia tài những cuốn sách “chuyên đề” Hà Nội của anh. Trong khi đó, còn đang ở dạng bản thảo, “Ngoại ô thương nhớ” lại là một cuốn thuộc thể loại khảo cứu pha lẫn với tản văn. Đây sẽ là một bức tranh toàn cảnh các làng cổ của Hà Nội như Láng, Xuân Đỉnh, Chèm, Vẽ, Cổ Nhuế, Yên Hòa, Lủ, Tương Mai, Hoàng Mai…
Nguyễn Ngọc Tiến ngậm ngùi kể, ông sinh ra ở phố Vọng, xưa kia “thuộc vào dạng” ngoại ô của Hà Nội. Bây giờ thì ngoại ô mở rộng ra rất xa, rất xa rồi. Điều đáng buồn là, nhiều nơi phố không ra phố, làng thì cũng không còn hồn làng nữa? Nó lưu lại nhiều nuối tiếc nên sẽ phải viết ra, kể lại để chí ít làng cổ của Hà Nội sẽ còn lại trong những trang giấy.
Là người từng viết qua rất nhiều thể loại, Nguyễn Ngọc Tiến bảo tản văn thì đưa được nhiều cảm xúc và cái chủ quan cá nhân của mình vào. Còn về sức sống lâu bền thì phải là khảo cứu. Những ai muốn tìm hiểu hay nghiên cứu, viết luận văn cần những chứng cứ xác thực thì có thể sử dụng sách khảo cứu vì có độ tin cậy về tư liệu.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến được trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" |
Nói về giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” mà Nguyễn Ngọc Tiến đạt được, ông rất tâm đắc bởi ban tổ chức đã nhìn ra và tôn vinh thể loại khảo cứu, thể loại mà ông đã kiên trì mở ra đầu tiên và đeo đuổi cho đến tận ngày nay.
Còn tôi thì cho rằng, nếu không có những cuốn khảo cứu như vậy, những chuyện xưa, chuyện cũ của Hà Nội rất có thể sẽ bay biến đi như khói bụi kinh thành để hậu sinh nhìn về phía trước thấy lịch sử như một lớp sương mờ huyền ảo trên hồ Dâm Đàm thuở trước.
Chính bởi vậy, sự kết hợp giữa hai hình thức tản văn và khảo cứu cũng là một hướng đi mới nữa mà Nguyễn Ngọc Tiến luôn tìm tòi, sáng tạo để tạo dấu ấn cá nhân trên nền tảng những gì ông tìm hiểu được.
Dù vậy, Nguyễn Ngọc Tiến cũng tâm sự rằng, sau khi hoàn thành hết những cuốn sách dang dở kia, ông sẽ dồn sức viết cuốn về lịch sử Hà Nội từ 1954 - 2008 rồi sẽ không viết nữa. Giai đoạn này vô cùng đặc biệt, rất nhiều sự kiện lịch sử và quan trọng của mảnh đất Hà Nội nhưng lại ít người đề cập sâu sắc. Cuốn sách sẽ kết tinh, dồn hết tâm huyết và sẽ là sự tổng kết cho một đời viết về Hà Nội của ông.
Là người cẩn thận, từng bài báo viết xong còn đọc lại, mỗi khi nhận một cuốn sách mới về, ông vẫn xúc động, hồi hộp như lần đầu tiên. Bao giờ cũng vậy, ông lướt giở mục lục, đọc lại những bài mình tâm đắc nhất và sống lại cảm giác khi còn ở bản thảo.
Với ông, mỗi cuốn sách là một sản phẩm hoàn hảo, lớp lang và có giá trị của riêng mình. Ngay cả khi sách tái bản ông cũng phải xem lại toàn bộ để biết có sai sót gì không. Chính sự kĩ lưỡng ấy, giá trị của những cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tiến sẽ là vốn quý về Hà Nội, cho Hà Nội, để người nay, người sau trân trọng.
(Còn nữa)
Bài 2: Chàng họa sĩ đắm đuối với những “Song xưa phố cũ” |