Bài 3: Sử dụng mạng xã hội thế nào là tích cực?
Không phải đăng gì cũng được
Sáng 25/6 vừa qua, phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã xử lý một trường hợp thường xuyên báo "chốt" trên mạng xã hội Facebook.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện nhóm Facebook “Báo chốt 141 Hà Nội” có đăng tải các bài biết, hình ảnh về vị trí các tổ công tác 141.
Giới trẻ cần phân biệt và lựa chọn thông tin lành mạnh khi sử dụng mạng xã hội (Ảnh minh họa) |
Trên thực tế, tình trạng sử dụng Facebook một cách tùy tiện, thiếu kiểm chứng thông tin khi chia sẻ, bình luận cũng đem đến những rắc rối cho những người đăng tải và gây hoang mang trong dư luận.
Nguyên nhân do nhiều người chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Không ít người vẫn còn quan niệm rằng, đã là trang Facebook cá nhân thì có thể đăng bất cứ thông tin gì...
Bạn Trần Thanh Huyền, học sinh lớp 12 trường THCS Cổ Loa cho rằng: “Là trang Facebook cá nhân, vì thế mình có thể đăng bất cứ thứ gì mình muốn, miễn là không gắn thẻ ai, không làm phiền ai. Mình cũng có nghe đến Luật An ninh mạng nhưng mình nghĩ đó chỉ dành cho những trang nào lớn và có tính chất phản động. Là học sinh, mình chỉ đăng ảnh và chia sẻ tus của người khác thì không có vấn đề gì”.
Cũng chính những suy nghĩ đơn giản như vậy dẫn đến việc người sử dụng Facebook đăng tải, chia sẻ thông tin mang tính cá nhân, thiếu kiểm chứng lên mạng xã hội. Từ đó, những hệ lụy khôn lường và gây phiền toái cho bản thân ập đến lúc nào không hay biết.
Theo các chuyên gia xã hội, những hậu quả do mạng xã hội mang lại nguyên nhân chủ yếu do 3 xu hướng: Thông tin đăng trên mạng xã hội không chính thống, mang tính cá nhân, thiếu kiểm chứng; Thông tin khó xác định nguồn tin; Thông tin có mục đích không rõ ràng, có động cơ xấu, lừa đảo, vu khống.
Hãy là người sử dụng mạng thông thái
CLB PVC đã phối hợp cùng với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và đội CSGT số 4 TP Hà Nội phát động chương trình “Không nồng độ cồn sau tay lái” (Ảnh: PVC) |
Trong số các trang mạng xã hội, thì Facebook có độ tương tác cao và tốc độ lan tỏa thông tin khá nhanh. Do vậy, người sử dụng có thể dùng nó như một công cụ để nắm bắt các thông tin, liên lạc, chia sẻ, thể hiện, bày tỏ về mọi vấn đề, lĩnh vực trong đời sống của cá nhân cũng như của người khác. Chính vì vậy, không ít người đã và đang lạm dụng Facebook để bày tỏ những bức xúc của mình trong công việc, học tập...
Theo bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Trí thức nữ Hà Nội, nếu như người sử dụng Facebook bày tỏ những bức xúc, đánh giá của mình một cách chung chung, không chỉ đích danh một cá nhân hay một tổ chức nào đó thì đây là quyền về tự do ngôn luận. Tuy nhiên, nếu người sử dụng Facebook thể hiện những bức xúc của mình và đánh giá người khác, bằng việc nêu đích danh, hình ảnh của cá nhân, tổ chức thì có thể vi phạm pháp luật.
Cũng theo bà An, việc bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, quan điểm; Tự do trao đổi các thông tin trên mạng xã hội là quyền tự do của mỗi công dân… Tuy nhiên, mỗi người phải tuân thủ quy định pháp luật, đó cũng là việc sử dụng mạng xã hội đúng luật.
Vì vậy, bà An khuyên các bạn trẻ: “Mọi người nên sử dụng Facebook một cách đúng đắn và chuẩn mực, biết phân biệt và chọn lọc những thông tin được đưa ra là chính xác, phù hợp với mình, không vi phạm pháp luật. Như vậy, người dùng sẽ phát huy được mặt tích cực của mạng xã hội, hạn chế những tác động xấu từ mạng xã hội mang lại”.
Để sử dụng mạng xã hội có lợi cho bản thân, nhiều ý kiến cho rằng: Các bạn trẻ đừng đăng nhập vào khi đang cảm thấy có thể bị tổn thương; Đừng so sánh những gì trên Facebook và những điều tiêu cực trong cuộc sống; Hãy theo dõi các tài khoản giúp bạn tập trung vào cách làm thế nào để đạt được thành công trong sự nghiệp hoặc xây dựng tình bạn tốt hơn; Sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm hội nhóm tốt cho bản thân; Đăng những điều tích cực, có tính giáo dục, định hướng trong cuộc sống...