Bài 33: Mỗi sinh viên phải tự “nâng cấp” bản thân
![]() |
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập: Khát vọng vươn xa:
Bài 32: Sớm nhận diện thách thức để vượt khó vươn lên
Tiếp tục thay đổi
Ngày nay không ít bạn trẻ đã thể hiện thái độ chủ động nhận diện, nắm bắt cơ hội cũng như ý thức được những thách thức mà nền kinh tế hội nhập mang đến để vươn lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít sinh viên thờ ơ, bị động theo kiểu “thày dạy gì, trò học nấy”.
![]() |
Đỗ Ngọc Thảo, du học sinh ở Anh theo chương trình học bổng Chevening tự tin khẳng định: “Việt Nam gia nhập “sân chơi” hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Chẳng hạn, có nhiều nhà tuyển dụng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra nhiều việc làm. Lao động nước ta có cơ hội được nâng cao tay nghề, đào tạo về kỹ thuật, rèn luyện tiếng Anh, làm quen với môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó nó cũng mang đến nhiều thách thức do môi trường làm việc đặt ra những yêu cầu cao hơn. Những bạn trẻ chưa có tay nghề tương ứng hoặc tiếng Anh chưa đáp ứng... có thể gặp khó khăn khi tìm việc làm. Vậy nên, theo tôi mỗi một sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải tự “nâng cấp” mình bằng cách cố gắng trau dồi kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm làm việc, hiểu hơn về nền văn hóa các nước, mở rộng mối quan hệ với các bạn trong khu vực”.
Làn sóng hội nhập là xu thế hiện nay nếu không nhanh chóng nâng cấp bản thân thì người Việt trẻ sẽ bị thua thiệt rất lớn so với các nước bạn. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, Nguyễn Thị Hiền, sinh viên trường ĐH Báo chí cho rằng: “Chúng tôi cần chuẩn bị rất nhiều cho những năm sắp tới. Bởi vì, tương lai, chúng ta sẽ còn hội nhập nhiều hơn nữa, vậy nên hãy tìm hiểu thị trường lao động và tiếp cận phương thức làm việc quốc tế mà nhiều nước đang áp dụng (làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, hùng biện trước đám đông...)”.
Theo các chuyên gia, để cạnh tranh hợp tác bình đẳng với thanh niên, sinh viên trong khu vực nhất là khi họ gia nhập vào thị trường lao động quốc tế, sinh viên Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, trau dồi thêm các kĩ năng, kiến thức về văn hóa, xã hội của các quốc gia. Trước hết, mỗi bạn sinh viên cần đặt cho mình những yêu cầu cao nhất trong quá trình học tập và rèn luyện. Thực tế cho thấy, sự tự mãn, tự ti sẽ khiến cho chính sinh viên đứng yên trong khi mọi thứ xung quanh đều vận động. Thời gian trên giảng đường là rất ngắn và sinh viên cần tận dụng tốt nhất giai đoạn quý giá này.
Cần dạn dĩ hơn
Khi đất nước bước vào hội nhập sẽ không tránh khỏi quy luật cạnh tranh trong đào tạo và tuyển dụng. Nhiều sinh viên cho rằng, sự dạn dĩ chính là điều kiện cần để dễ dàng hòa nhập với bạn bè quốc tế. Vậy nên, thiết nghĩ đã đến lúc các trường ĐH cần tổ chức nhiều hơn hoạt động ngoại khoá một cách chuyên nghiệp, giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm có ích cho quá trình học và làm việc sau khi tốt nghiệp. Sự điều chỉnh và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cho phù hợp với các chuẩn chung của thế giới, giúp sinh viên tự tin chủ động tham gia các hoạt động liên kết chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên giữa các trường ĐH học trong khu vực và thế giới.
“Tôi thấy so với sinh viên nước ngoài, nhiều sinh viên Việt Nam có kiến thức tốt nhưng vẫn còn khá rụt rè trong giao tiếp, trình bày một vấn đề. Cá nhân tôi cũng tự thấy chưa thật sự chủ động trong các chương trình giao lưu, hội thảo quốc tế. Các bạn nước khác hoà nhập rất nhanh trong mọi tình huống. Thật ra không phải ai cũng nói tốt tiếng Anh nhưng họ lại dạn dĩ hơn mình và thích nghi nhanh. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ và cần phải học hỏi rất nhiều để hoàn thiện bản thân”, bạn Lê Minh Huyền (sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông) chia sẻ.
Bạn Lê Kim Ngân (sinh viên khoa Du lịch, trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng: "Tôi nghĩ mình cần tìm hiểu nhiều hơn về cộng đồng ASEAN, nhất là cơ hội cho mỗi người cũng như những thách thức để có một tâm thế tốt nhất cho việc hội nhập. Mỗi bạn trẻ cần tích luỹ cho mình kỹ năng tốt, nhất là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh tiếng Anh, sinh viên cần trau dồi thêm các kĩ năng mềm khác để có thể cạnh tranh với các bạn trẻ đến từ các quốc gia khác”.
Bên cạnh đó, nhiều bạn mong muốn nhà trường nên tạo thêm nhiều cơ hội thực tập nghề nghiệp và mở rộng các chương trình, lễ hội giao lưu văn hóa quốc tế. Bạn Lê Minh Huyền đề xuất: "Các khoa, bộ môn nên tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tập nhiều hơn, nếu có thể được thì nhà trường nên cắt giảm thời lượng các môn học đại cương để tăng thêm thời gian cho các môn chuyên ngành, các môn kỹ năng”.
Thực tế, kĩ năng mềm là khả năng ứng xử, nhạy bén với công việc và giải quyết khó khăn một cách nhanh nhất có thể, hạn chế tối đa những rủi ro công việc mà những điều này ở giảng đường Đại học không thể truyền đạt cho Sinh viên. Không những thế, kỹ năng mềm còn là nghệ thuật ứng xử của Sinh viên với các đồng nghiệp, cộng sự với cấp trên và với tất cả mọi người.
Nhiều năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm nhiều đến “Kỹ năng mềm” cũng như tầm quan trọng của kỹ năng này. Có được kỹ năng mềm vững không những giúp con đường học tập của các bạn sinh viên trở nên suôn sẻ, thuận lợi, tạo bước đà cho sự nghiệp thành công mà nó còn đem lại hạnh phúc trong cuộc sống.
|
(còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bí thư Trung ương Đoàn thăm khối thanh thiếu niên diễu binh, diễu hành

Hun đúc lòng yêu quê hương, đất nước trong thanh, thiếu niên kiều bào

Về với thiên nhiên, chạm vào lịch sử

Lịch sử trong mắt Gen Z: Tự hào, biết ơn và nhiều góc nhìn

Phú Yên khai mạc Hội trại Thủ lĩnh Thanh niên lần thứ II

Trang bị kiến thức, kỹ năng, đón cơ hội từ Luật Thủ đô 2024

Bài 2: Thanh niên thành phố mang tên Bác trên chặng đường đổi mới

Bài 4: Xây dựng Đoàn mạnh từ gốc

Bài 1: Lớn mạnh từ khói lửa chiến tranh, ghi dấu son lịch sử hào hùng
