Bài 4: Hỗ trợ người dân thanh toán không tiền mặt
ShopeePay không ngừng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong tiêu dùng |
Đồng hành cùng người dân
Hướng đến cộng đồng, đồng thời thể hiện tính tiên phong của người trẻ trong chuyển đổi số, Huyện đoàn Gia Lâm (Hà Nội) thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực. Trong đó, Huyện đoàn thành lập đội tình nguyện hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi số, gắn mã QR thanh toán điện tử.
Theo Bí thư Huyện đoàn Gia Lâm Phạm Văn Phong, với mong muốn phát huy hiệu quả công nghệ số trong kinh doanh, dịch vụ, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, ngay từ tháng 2/2023, Huyện đoàn đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ các hộ kinh doanh mở tài khoản ngân hàng và đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (ebanking).
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Đào Đức Việt trao biển mã QR tới tiểu thương tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) |
“Đoàn viên, thanh niên và nhân viên ngân hàng sẽ đến tận nhà các hộ kinh doanh để tuyên truyền và trực tiếp hỗ trợ mở tài khoản và tạo mã QR để thanh toán tiện lợi trong giao dịch. Ban đầu chúng tôi gặp đôi chút khó khăn bởi có hộ lo lắng bị lấy cắp thông tin. Tuy nhiên, khi được đoàn viên và nhân viên ngân hàng giải thích hầu hết các hộ đều phối hợp thực hiện”, Bí thư Huyện đoàn Gia Lâm Phạm Văn Phong chia sẻ.
Các tiểu thương kinh doanh tại chợ được hướng dẫn đăng ký tài khoản ở ngân hàng, tải ứng dụng trên điện thoại thông minh để sở hữu một mã QR cho tài khoản cá nhân. Mã QR của mỗi tiểu thương cũng được in, dán ngay vị trí bán hàng để người mua dễ dàng thanh toán tiền.
Thanh toán không tiền mặt mang lại tiện ích cho cả người mua và người bán |
Chị Nguyễn Thị Thanh, người kinh doanh thực phẩm xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Các bạn“Các bạn đoàn viên thanh niên đã đến hỗ trợ chúng tôi tải ứng dụng và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tôi thấy ứng dụng rất hữu ích, thuận tiện cho việc kinh doanh của gia đình, giúp chúng tôi giao dịch với khách hàng nhanh chóng”.
Sau khi hỗ trợ các hộ kinh doanh tại hai xã Phù Đổng và Dương Xá mở mã QR để thanh toán trong giao dịch, trong tháng ba, Huyện đoàn Gia Lâm nhân rộng mô hình trong toàn huyện. Hoạt động này sẽ hỗ trợ người dân thuận tiện hơn trong mua sắm, đồng thời góp phần thực hiện kinh tế số tại địa phương.
Thuận tiện trong giao dịch
Bạn trẻ trải nghiệm thanh toán không tiền mặt |
Cùng với hỗ trợ cài đặt QR cho các hộ kinh doanh, các cơ sở Đoàn của huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số. Các đội hình thanh niên tình nguyện miệt mài đi từng ngõ hỗ trợ người dân, đảng viên cài đặt ứng dụng VNeid, sổ tay đảng viên điện tử góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
Cùng với Huyện đoàn Gia Lâm, tuổi trẻ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng VNeID, thanh toán không tiền mặt. Các bạn trẻ tích cực thu thập thông tin của các tiểu thương, các hộ kinh doanh trên địa bàn đặc biệt là khu vực chợ Đồng Xuân để trao cấp mã QR sử dụng trong giao dịch buôn bán. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên cũng nhiệt tình tuyên truyền, vận động người bán khuyến khích khách hàng sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt.
Chợ Đồng Xuân – một trong những khu chợ lớn nhất ở miền Bắc, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, nơi buôn bán, giao thương sầm uất, trung tâm mua sắm hàng đầu ở Thủ đô Hà Nội. Chợ Đồng Xuân là khu chợ đầu mối dành cho thương lái ở khắp các tỉnh phía bắc. Chợ có 3 tầng, bày bán đủ các loại mặt hàng, từ thượng vàng cho đến hạ cám. Khách hàng đến đây có thể tìm thấy mọi loại hàng hoá mà mình muốn, dù là mua sỉ hay lẻ thì mức giá cũng cực kỳ phải chăng.
Tuổi trẻ Hoàn Kiếm hỗ trợ tiểu thương chợ Đồng Xuân cài đặt mã QR thanh toán không tiền mặt |
Vì vậy việc hỗ trợ cài đặt mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của người dân. Chị Nguyễn Mai Ngọc, tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân chia sẻ: “Nếu chỉ sử dụng tiền mặt, khách hàng cũng băn khoăn lựa chọn sản phẩm khi không mang đủ tiền. Tuy nhiên, khi có thể dễ dàng chuyển khoản qua quét mã QR thì việc mua và bán dễ dàng hơn. Các bạn đoàn viên, thanh niên cũng nhiệt tình giúp đỡ các tiểu thương trong chợ chưa có thanh toán điện tử, nhất là những người lớn tuổi và kinh doanh tại đây nhiều năm”.
Chị Nguyễn Thị Thúy, một tiểu thương bán quần áo ở chợ Đồng Xuân cũng cho biết: "Khi tính toán thủ công, đôi khi tôi nhầm lẫn, sai sót, mất mát. Vì thế, việc sử dụng quét mã QR và chuyển tiền không dùng tiền mặt khiến tôi yên tâm hơn rất nhiều. Dịch vụ này còn rất tiện lợi và thiết thực. Có khách không chủ động mua đồ nên không mang tiền nhưng khi sử dụng dịch vụ này, họ có thể mua đồ bất kỳ lúc nào nên doanh thu của chúng tôi cũng có thể tăng", chị Thúy chia sẻ.
Theo Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố thông minh cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Trong đó, đoàn viên, thanh niên phải là người tiên phong trong chuyển đổi số đồng thời hỗ trợ người dân.
Vì thế, ngoài hỗ trợ các tiểu thương cài đặt mã QR, thanh toán không tiền mặt, đoàn viên, thanh niên của quận đến tận các tổ dân phố để hướng dẫn người dân kích hoạt phần mềm VNeid, dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp gặp khó khăn do không thạo máy móc, có phản ánh qua tổ trưởng tổ dân phố… sẽ được đoàn viên đến trực tiếp hướng dẫn, phổ biến kỹ năng, từ đó góp phẩn đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
(Còn nữa)