Bài 5: “Tiếp sức” cho thầy trò vùng sâu, vùng xa
Có cơ chế đặc thù cho giáo viên cắm bản
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ (nay là Đại học Hùng Vương), năm 2001, chị Hà Thị Lan Hương được tuyển dụng vào ngành Giáo dục và Đào tạo, nhận công tác tại trường THCS Xuân Đài - thuộc một xã miền núi vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn (nay là huyện Tân Sơn, Phú Thọ).
Khi đó, trường THCS Xuân Đài còn chưa có điện. Đường vào trường khúc khuỷu, trời mưa sình lầy bùn đất, ngày nắng bụi bặm. Phần lớn gia đình học sinh rất khó khăn nên chúng chẳng mặn mà tới trường. Chị Hương cùng các thầy cô giáo khác phải lội suối, băng đèo vào từng ngõ xóm vận động học sinh đến trường.
Chị Hà Thị Lan Hương, giảng bài cho các em học sinh |
“Khi đó, tôi mới ra trường cảm thấy rất sốc khi thực tế không như tưởng tượng trước đó dù khi quyết định về Xuân Đài là chị biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn về vật chất tôi còn lo lắng không biết làm thế nào để dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ còn chưa sõi tiếng Việt. Thậm chí khi tôi hỏi, chúng trả lời bằng tiếng dân tộc Mường, Dao, Tày”, chị Hương kể.
4 năm gắn bó tại ngôi trường thuộc xã miền núi đặc biệt khó khăn đủ cho chị Hương thấu hiểu những thiệt thòi của thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, chị Hương cho rằng, cần phải đầu tư hơn nữa để có giao thông thuận lợi, đường dễ đi, điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh vùng sâu, từ đó, giảm tình trạng bỏ học giữa chừng.
Với giáo viên vùng cao cần có thêm chính sách hỗ trợ đi lại mỗi đợt lễ tết. Đặc biệt, cần có chế độ cấp đất để thu hút giáo viên cắm bản, từ đó, họ tình nguyện ở lại địa phương yên tâm công tác hơn.
Đầu tư thêm cơ sở vật chất
Năm 2011, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sơn La, anh Lò Văn Hơn về nhận công tác tại trường trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sam Kha, xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp (tỉnh Sơn La). Nơi đây, hơn 90% là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách giữa các điểm trường so với trung tâm từ 5 đến 19km, đường xá đi lại khó khăn.
Anh Lò Văn Hơn cùng các học trò |
Theo anh Hơn đây là xã vùng biên tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của nhiều bậc phụ huynh học sinh về vai trò dạy và học của nhà trường còn nhiều hạn chế. Việc dành cơ hội cho con em tham gia học tập và bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn đang diễn ra. Hiện giáo dục vùng khó vẫn còn rất nhiều vấn đề như điều kiện kinh tế người dân khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học để đi làm cao, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.
Vì vậy, anh Hơn kiến nghị cần có thêm các chính sách hỗ trợ chi phí học tập, giảm học phí cho học sinh dân tộc thiểu số, cải thiện điều kiện dạy và học cho các nhà trường để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, cần có chính sách để hỗ trợ giáo viên đang công tác tại vùng sâu vùng xa, đồng hành để các thầy cô an tâm công tác.
“Được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất sẽ giúp thầy cô yên tâm bám bản, bám trường. Có cơ sở vật chất tốt cũng giúp việc dạy và học thuận lợi hơn, nối gần khoảng cách giữa vùng cao với miền xuôi”, anh Hơn chia sẻ.
Động viên kịp thời giáo viên tâm huyết
Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Cheo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nơi chị dạy học, học sinh 100% là người dân tộc Mông. Nhiều hộ nghèo, một năm chỉ có một vụ lúa, hai vụ ngô, người dân phải làm thuê kiếm sống.
Chị Nguyễn Thị Thủy cùng các em học sinh |
Không chỉ dạy kiến thức, thầy cô còn phải chăm sóc sức khỏe cho học sinh, quan tâm đến đời sống của các em để giúp học sinh tránh được nạn tảo hôn, nhất là với học sinh nữ. Cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều việc trong điều kiện khó khăn nên nên giáo viên vùng sâu, vùng xa rất cần sự quan tâm, động viên kịp thời. Theo chị Thủy, ngành Giáo dục cần có chế độ ưu tiên với các thầy cô giáo tâm huyết với học sinh vùng khó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân nơi đây.
Cũng liên quan đến vấn đề quyền lợi giáo viên, chị Thủy cho rằng việc khống chế tỷ lệ thi đua khen thưởng chỉ 15% giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua là chưa phù hợp khi tất cả các thầy cô giáo đều rất nỗ lực vượt khó khăn để dạy và học vì học sinh. Việc khống chế tỷ lệ khiến cho nhiều giáo viên dù nhiều năm nỗ lực vẫn không thể đạt được danh hiệu dù xứng đáng. Vì vậy, việc quan tâm thường xuyên, đáp ứng đúng nhu cầu của giáo viên vùng cao sẽ giúp họ yên tâm công tác.
Tại chương trình gặp mặt giáo viên của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của thầy, cô. Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, chế độ chính sách đã có nhiều. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều khó khăn, chính sách, chế độ chưa thể bao phủ được hết. Theo Thứ trưởng hiện Chính phủ có "Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi". Trong thời gian tới, chính sách này sẽ góp phần tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tại các địa phương. Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, mới ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học, yêu cầu hội nhập quốc tế trong giáo dục ngày càng cao, điều đó càng đòi hỏi nhiều hơn sự đóng góp của thầy cô. Vì thế, mỗi thầy cô giáo không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, về tinh thần tận tụy với nghề mà còn là tấm gương sáng về học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới chính mình nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục. |