Bài 5: Tinh thần thời đại của người Hà Nội
Phát huy và tỏa sáng những giá trị, vẻ đẹp, cốt cách tinh thần của người Hà Nội |
Căn cứ của những ứng xử đúng mực
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, khi quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học được áp dụng, các nhà quản lý đã có căn cứ để định hình thi đua khen thưởng, quy định rõ ràng. Điều này có lợi thế cho nhà quản lý, tạo ra nền nếp trong nhà trường, cách ứng xử, giao tiếp đúng mực giữa thầy với thầy, thầy với trò, thầy với phụ huynh và trò với trò.
Thầy cô ứng xử với học trò bằng cả cái tâm thì chắc chắn sẽ là một cách để khơi dậy truyền thống tôn sư trọng đạo trong học trò, phụ huynh |
Có quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường thì mọi hoạt động được cụ thể hóa, áp vào đi đua hằng năm. Từ đó, nhà trường có căn cứ thúc đẩy thi đua tạo ra động lực cho giáo viên và nhân viên, học sinh trong nhà trường phấn đấu.
Nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy tắc ứng xử văn hóa này phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Khi kết hợp với Thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học thì quy tắc ứng này hướng tới nhân văn nhiều hơn. Cách ứng xử của giáo viên sẽ văn minh và thân thiện, không được dùng bạo lực hay mắng chửi để nhắc nhở học sinh. Khi đó, giáo viên phải có phương pháp, dạy dỗ bằng tình yêu thương nhiều hơn… Vì vậy, quy tắc này phù hợp trong điều kiện mới.
Trong môi trường giáo dục thu nhỏ, ở lớp học, để thực hiện được quy tắc ứng xử văn hóa có hiệu quả, giáo viên phải tạo ra nhiều hoạt động để cô trò gần gũi nhau hơn. Trước đây, hoạt động tổ chức ngoài giờ chỉ ở một góc, bây giờ các nhà trường phải tạo ra nhiều hoạt động để học sinh tham gia trải nghiệm. Từ đó, các em biết được kỹ năng mềm, đồng thời hoạt động này gắn kết tình cảm giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh.
Có thể nói quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học là tiền đề của lớp học, trường học hạnh phúc.
Cô Đỗ Thị Hoàng Mai, giáo viên trường Tiểu học Nông nghiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Ở các trường học cũng có quy định về cách ứng xử riêng nhưng từ khi áp dụng bộ quy tắc này thì việc cụ thể hóa các hoạt động, lời nói, ứng xử càng rõ ràng hơn. Trong mỗi lớp, giáo viên chủ nhiệm cũng đã xây dựng một quy định riêng. Vì đây là tiền đề của một lớp học hạnh phúc nên tôi rất tâm đắc.
Tôi thường nghĩ ra nhiều hoạt động để tạo ra môi trường trong đó trò tự tin, vui vẻ và hứng thú học tập, cô giáo thì thấu hiểu, chia sẻ và lắng nghe… Khi thấu hiểu học sinh, tôi thấy yêu quý các em nhiều hơn, đồng thời lắng nghe và hay cười hơn với học trò. Tôi thấy học sinh rất yêu quý cô giáo và thích đến lớp học. Đối với tôi, các con luôn kính trọng và thân thiện”.
Điều đáng ghi nhận của bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học nữa chính là việc tạo nên hứng khởi trong công việc cho giáo viên. Bởi mối tác động qua lại nhiều chiều, khi thầy cô thấy việc dạy học là một niềm vui, một đam mê, trọng trách đầy cao cả, được học sinh và phụ huynh tôn trọng, trân quý thì tự dưng mọi khó khăn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chính vì thế, chúng ta thấy, giữa thời buổi nhiều người chọn cuộc sống có thu nhập cao, điều kiện sống đầy đủ thì cũng ngày càng nhiều thầy cô giáo cắm bản, chấp nhận gian khổ để cống hiến cho lý tưởng trồng người của mình.
Gắn bó thân thiết
Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học không chỉ làm cho thầy cô thay đổi, thúc đẩy sự sáng tạo để tạo ra môi trường giáo dục toàn diện mà còn khiến phụ huynh và học sinh có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu như trước đây học sinh thường sợ thầy cô, không dám gần gũi thì sau khi áp dụng quy tắc ứng xử trong trường học, các em đã thân thiện với nhau hơn, đồng thời rất quý trọng thầy cô giáo.
Với học sinh, yêu thầy cô sẽ khiến các em học hành chăm ngoan, hứng khởi, tiếp nhận kiến thức tốt hơn |
Em Đinh Lê Thu Thủy, học sinh lớp 10 trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Vào lớp 10, môi trường mới, em thấy khác hẳn. Theo nội quy lớp học, ngoài việc thân thiện, chan hòa, giúp đỡ nhau còn quy định cả về lời nói và các vấn đề xung quanh lớp học. Cô giáo là người tiên phong trong cách ứng xử với mọi người, vì thế các bạn lớp em cũng noi theo, lớp học ngày nào cũng vui vẻ”.
Dù đa số các ý kiến cho rằng, quy tắc ứng xử trong trường học khó tác động tới phụ huynh tuy nhiên, với nhiều cách tuyên truyền, ít nhiều nó cũng đã tác động không nhỏ. Điều đó thể hiện qua cách ăn mặc nghiêm trang khi đưa đón con đi học, qua cách cư xử với thầy cô, với bảo vệ nhà trường…
Chị Nguyễn Hương Giang, phụ huynh có con đang học cấp THCS ở quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tôi thấy con rất gắn bó với nhà trường, thích đi học và kính trọng thầy cô. Nhìn con như vậy, tôi biết ơn thầy cô vì đã rèn rũa đạo đức cho con mình. Tôi nghĩ, để giáo dục con tốt thì bản thân mình phải hợp tác và tuân thủ mọi quy định của nhà trường, phối hợp với thầy cô để giáo dục con”.
Anh Phan Tuấn Nam (ở quận Hoàng Mai) cho biết, trước đây anh rất khó chịu, thậm chí lo ngại khi nghe các con nói chuyện về thầy, cô giáo với nhau là “ông ấy”, “bà ấy” thế nọ, thế kia. Bởi lẽ, nếu con nói về thầy cô bằng thái độ e dè, thiếu tôn trọng như vậy thì chắc chắn giữa thầy cô và học trò sẽ có khoảng cách nhất định. Điều đó có thể là sự sợ hãi, nghi ngại hoặc ghét bỏ nhau. Vì thế mà sự truyền đạt kiến thức, tình cảm thầy trò sẽ không được trọn vẹn.
Gần đây, anh Nam để ý, khi hỏi về thầy cô, con thường nói với ánh mắt tươi vui, khuôn mặt rạng rỡ. Con kể về thầy cô với bố mẹ bằng giọng rất thân thiết, gần gũi: “Cô giáo của con, thầy giáo của con…”. Anh Nam cảm thấy rất yên tâm. Bởi lẽ, nếu thầy cô thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực, là người học sinh yêu quý thì chắc chắn con sẽ gắn bó với trường lớp hơn, học tập một cách hăng say, tập trung hơn.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học một lần nữa nhắc nhở chúng ta trách nhiệm, cách thức để đối xử với nhau trong môi trường giáo dục. Nghĩa là, tất cả mọi người trong cuộc đều có vai trò như nhau để tác động qua lại, thúc đẩy sự phát triển hay kéo lùi lối ứng xử văn hóa ấy.
Nếu chỉ từng yếu tố thầy cô, học trò hoặc phụ huynh tự thay đổi thì chắc chắn kết quả không được khả quan. Bộ quy tắc chính là thể hiện tinh thần thời đại của mình. Vẫn trên nền truyền thống tôn sư trọng đạo quý báu vốn có, mỗi người Hà Nội đều có phần trách nhiệm, nghĩa vụ và thụ hưởng kết quả mà chính chúng ta tạo nên trong ngày nay và mai sau.
Đó cũng là mục đích cuối cùng để việc dạy - học thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Thầy cô là người không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn góp phần dạy chúng ta nên người. Đó cũng là cách cả thầy và trò và phụ huynh cùng học, học nữa, học mãi trên hành trình hoàn thiện nhân cách của mình.