Bài 52: Giới trẻ không thể dửng dưng với “Cách mạng công nghiệp 4.0”
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập
Bài 51: Giám đốc công nghệ trẻ
Tương tự, các chính phủ và các tổ chức cũng đang được định hình lại, trong đó phải kể đến hệ thống giáo dục, y tế, giao thông vận tải. Những cách thức mới trong việc sử dụng công nghệ để thay đổi hành vi và các hệ thống sản xuất, tiêu thụ cũng thúc đẩy tiềm năng hỗ trợ quá trình tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên. Đó chính kỷ nguyên mới mang tên “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Cơ hội và thách thức
Trong thời đại “Cách mạng công nghiệp 4.0” đang được nhắc đến thường xuyên, hẳn giới trẻ không thể dửng dưng, làm ngơ. Cuộc cách mạng này sẽ tạo ra khả năng hàng tỷ người được kết nối thông qua các thiết bị di động vốn sở hữu những tính năng chưa từng có. Để đáp ứng được sự chuyển đổi lớn đó, các bạn trẻ phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như tư duy học tập, cách nghĩ mới cho bản thân.
Tại Hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu khẳng định: Việt Nam đang ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt, đón đầu, phát triển. Cơ hội là rất lớn nhưng những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ.
PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt, đón đầu, phát triển. Cơ hội là rất lớn nhưng những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Thách thức từ chính nội tại quá trình phát triển và thách thức từ môi trường kinh tế xã hội quốc tế mà Việt Nam đang hội nhập. “Việt Nam phải tiến hành hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành nước công nghiệp. Điều đó chứng tỏ cùng lúc nước ta phải tiến hành 4 cuộc cách mạng. Tuy nhiên, một chủ trương hết sức quan trọng là phải đi tắt đón đầu để có bước đột phá nhưng cũng cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh và các yếu tố tác động”, PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, để Việt Nam nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hiện đại, một trong những nội dung cần quan tâm là vấn đề cải cách, kiện toàn lại nền giáo dục, đào tạo, xây dựng và phát triển các nguồn vốn kinh tế, vốn xã hội đã có. Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, việc học tập là yêu cầu dành cho tất cả mọi người để tạo ra con người hành động, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Tiến sĩ (TS) Lê Trường Tùng, Chủ tịch ĐH FPT, khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp mới hiện nay tạo ra những cơ hội ngang nhau trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng nhất là ai nắm bắt được cơ hội sớm thì sẽ thành công cao hơn. Đây chính là thách thức cực kỳ to lớn cho lĩnh vực giáo dục đào tạo của Việt Nam khi đang từ mô hình cũ để chuyển mình sang mô hình mới phù hợp xu thế.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là kỹ năng sáng tạo. Trong mọi lĩnh vực ngành nghề, những đột phá về công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, robot, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn tới đời sống xã hội. Khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh.
Thay đổi tư duy
Theo TS Lê Trường Tùng, các phương thức giảng dạy cũ không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội. Ví dụ như nhu cầu của sinh viên là ngồi ở đâu cũng có thể truy cập vào được thư viện của trường để tự học, tự nghiên cứu. Như vậy không thể chỉ tồn tại mô hình thư viện truyền thống mà các trường phải xây dựng được thư viện điện tử; hoặc chúng ta sẽ có những mô hình giảng dạy mới như đào tạo trực tuyến không cần nhà trường, không cần giáo viên. Học sinh sẽ được hướng dẫn học qua mạng, chỉ có giáo viên chấm điểm sau; thậm chí, tiến tới việc sinh viên lớp trước chấm điểm, hướng dẫn cho sinh viên lớp sau hay kiểm tra chéo nhau giữa các sinh viên nên hoàn toàn có thể không cần đến giảng viên. Một điểm khác nữa là cũng phải thay đổi tư duy bằng cấp như hiện nay. Một doanh nghiệp tuyển dụng là cần người làm được việc chứ không cần người có văn bằng cao.
Về kiến thức, các bạn trẻ nên bắt đầu nghĩ về sự hội tụ đáng kinh ngạc của những đột phá công nghệ mới nổi. Đây là cơ hội rất lớn để trau dồi kiến thức, nhất là những lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, các phương tiện không người lái...
Nhiều công nghệ trong số đó đang ở giai đoạn khởi đầu nhưng đã đạt được bước ngoặt đáng kể trong sự phát triển. Bởi chúng dựa vào nhau, kết hợp giữa các công nghệ của thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học cùng với đó là các hình thức kinh doanh mới.
Ngoài kiến thức chuyên môn học ở nhà trường, các bạn trẻ cũng cần thiết phải hình thành thói quen đọc sách để tiếp thu kiến thức mới, đặc biệt là các sách ngoại ngữ.
Ngoài ra, vấn đề thay đổi tư duy về việc học tập cũng cần được quan tâm đúng mực đối với các bạn trẻ. Khi “Cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra sẽ tạo một nền trí thức mới chia sẻ qua những nền tảng như Youtube, Google, Facebook... Những trang trực tuyến đã khẳng định rằng, kiến thức hay kỹ năng không chỉ bó hẹp trong phạm vi độc quyền của một người hay một nhóm người.
Trước đây, chúng ta phải mất chi phí để học tập những chương trình độc quyền. Giờ đây, mỗi người hoàn toàn dễ dàng tiếp cận, tích lũy cái mới, cái hay và có nhiều cơ hội để trở thành một công dân toàn cầu.
Kế đến, bạn trẻ cũng nên để ý rằng, các phương thức học tập cũ không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội. Việc đọc sách hay tìm tài liệu tham khảo không nhất thiết phải đến thư viện mà có thể qua các thư viện điện tử hoặc sách trực tuyến. Thực tế, học tập trực tuyến, trao đổi và học qua mạng đang ngày càng mở rộng và phát triển trên thế giới và bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Một điểm khác nữa, các bạn trẻ cũng cần phải tự "lột xác", thay đổi tư duy bằng cấp, học cho có bằng để đối phó như hiện nay. Bởi với xu thế mới, một doanh nghiệp tuyển dụng cần người làm được việc, có vốn kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng vững chắc chứ không nhất thiết cần người có văn bằng tốt như trước đây nữa. Các doanh nghiệp sẽ xem xét những tri thức bền vững, những kỹ năng thực tế chính là nền tảng cho việc tuyển dụng.
Với việc nhận thức sớm về các biến đổi mà CMCN 4.0 đem lại sẽ giúp các bạn trẻ sớm trang bị kỹ càng cho bản thân về kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, thay đổi tư duy học tập, cách suy nghĩ, cách làm việc cũng tạo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ hơn.
Thay vì đề cao bằng cấp, chúng ta nên tự tạo cho mình một hành trang bền vững là tri thức, sự sáng tạo, sức khỏe tốt, biết đón đầu xu hướng, dám thay đổi để phù hợp với thời đại mới.
(còn nữa)