Bài 97: Hướng đi mới trong giáo dục – đào tạo
![]() |
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập - Khát vọng vươn xa
Bài 96: Tuổi trẻ Thủ đô tiên phong trong phát triển kinh tế, xã hội
Giúp học sinh tăng khả năng hội nhập
Lần đầu tiên từ năm học 2017-2018, Hà Nội thực hiện đề án “Thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) tại Trường THPT Chu Văn An”. Chương trình đào tạo nhằm giúp học sinh dự thi để lấy chứng chỉ A-Level được công nhận quốc tế của Hội đồng Khảo thí Quốc tế, Đại học Cambridge (CIE). Đồng thời, giúp các em có cơ hội phát triển năng lực cá nhân, khả năng thích ứng cao trong môi trường học tập và làm việc theo chuẩn quốc tế. Chương trình được triển khai thí điểm trong giai đoạn 5 năm.
![]() |
50 học sinh của khóa đầu tiên theo học chương trình được chia thành hai lớp I1 và I2. Tham gia học song bằng, học sinh sẽ được học chương trình THPT quốc gia Việt Nam do Bộ GD-ĐT quy định. Một số nội dung trong đó đã được tích hợp vào chương trình A-level. Song song đó, các em sẽ học chương trình A-level của nước Anh với 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lí, Hóa học, Kinh tế và tiếng Anh học thuật.
Chứng chỉ A-Level được công nhận và đánh giá cao bởi nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. CIE sẽ hỗ trợ việc tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn quy định tham gia giảng dạy chương trình thí điểm.
Theo bà Lê Thị Mai Anh, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, chương trình A-Level giúp cho học sinh có được phương pháp tư duy và học tập tiên tiến sẽ giúp ích rất nhiều cho các em trong môi trường hội nhập khi các em chọn lựa nghề nghiệp.
Cũng theo bà Mai Anh, để tuyển chọn học sinh cho khóa học này, nhà trường đã thực hiện 3 vòng thi theo tư vấn của trường quốc tế IST cũng như theo sự thống nhất với CIE. 50 học sinh của chương trình đặc biệt này đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn đầu vào: Nằm trên địa bàn TP Hà Nội, tốt nghiệp THCS năm học 2016 – 2017, đủ điều kiện đăng kí dự tuyển vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn thành phố. Đây là nguyện vọng độc lập, không ảnh hưởng đến nguyện vọng đăng kí vào các trường THPT không chuyên và THPT chuyên. Học sinh phải có điểm tổng kết trung bình cả năm lớp 9 các môn Toán, Vật lý, Hóa học từ 8 điểm trở lên; riêng môn tiếng Anh từ 8,5 điểm trở lên. Trải qua 3 vòng thi: thi viết 2 môn Ngữ văn, Toán theo quy định của kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của TP Hà Nội; làm 4 bài thi viết hoàn toàn bằng tiếng Anh các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh. Sau khi có kết quả của vòng 1 và vòng 2, 100 học sinh được chọn ra để phỏng vấn theo các tiêu chí: điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT được xét từ cao xuống thấp; mỗi bài thi của vòng 2 phải đạt chuẩn của CIE. Qua đợt tuyển sinh đầu tiên, học sinh được những chuyên gia tuyển sinh của CIE đánh giá rất cao.
Học sinh hoàn thành chương trình dự thi để lấy chứng chỉ A-Level được công nhận quốc tế của Tổ chức giáo dục CIE. Học sinh tốt nghiệp song bằng có cơ hội lựa chọn các trường đại học uy tín trong nước và trên thế giới.
Chi phí Việt Nam, chất lượng quốc tế
Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, mô hình triển khai tại trường THPT Chu Văn An là mô hình song bằng tại một trường công lập đầu tiên trên toàn quốc. Ngành giáo dục thủ đô thí điểm thực hiện chương trình này với kì vọng mở ra hướng đi mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân toàn cầu cho thủ đô và đất nước. Đáng chú ý, chương trình từ khi bắt đầu đến lúc triển khai chính thức đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh.
Cũng theo ông Dũng, số lượng học sinh tham gia lớp học và ngày khai giảng diễn ra đúng như dự kiến. Bên cạnh việc học kiến thức theo chương trình Việt Nam, các em phải học thêm chương trình quốc tế. Như vậy, đòi hỏi các em phải rất cố gắng tập trung, nỗ lực trong học tập thì kết quả mới có thể tốt được. “ở môi trường này, các em phải rất nỗ lực. Ngoài kiến thức mà các thầy cô giáo truyền tải trên lớp, các em cần phải chủ động tìm hiểu, tiếp thu them những kiến thức bên ngoài. Đặc biệt, các em phải dành nhiều thời gian cho học tập”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, học chương trình này phải có cam kết từ hai phía, phía người học và phía người dạy. Phía nhà trường và Sở GD-ĐT sẽ cam kết thực hiện theo đúng đề án, còn thành hay bại là quyết định quan trọng của người học. Về phía phụ huynh và nhà trường, khi tuyển sinh nhà trường đều yêu cầu cha mẹ học sinh có bản cam kết về sự hỗ trợ đồng hành cùng con em mình.
Chị Tuyết Mai, phụ huynh có con học chương trình song bằng cho biết: “Nếu như ra nước ngoài học tập vô cùng tốn kém thì học chương trình song bằng trong nước chi phí giảm đi rất nhiều mà kiến thức con học tương đương như vậy. Vì thế chị rất an tâm khi con học ở trong nước theo mô hình tiêu chuẩn quốc tế”.
Được biết, mức học phí gồm học phí chương trình THPT theo quy định chung của thành phố và mức học phí chương trình A-Level là 7,5 triệu đồng/học sinh/tháng (học 24 tháng, chưa bao gồm lệ phí thi tốt nghiệp theo quy định của CIE).
Chương trình song bằng là một trong 5 nhiệm vụ và khâu đột phá trong 5 năm tới của Hà Nội: “Tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội. Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời kì mới”.
(còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cán bộ trẻ “chuyển mình” góp sức vận hành chính quyền 2 cấp

Thanh niên xung kích “chia lửa” cùng chính quyền 2 cấp

Chạm vào thế giới khoa học diệu kỳ

Tiên phong góp sức xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân

Tiếp sức chính quyền, gỡ khó cùng người dân

Phục vụ Nhân dân bằng công nghệ và cả trái tim

Nam sinh vô địch “Tin học văn phòng” chuẩn bị sang Mỹ tranh tài

Cơ hội vàng cho Gen Z theo đuổi ước mơ kỹ sư chuẩn Nhật

"Áo xanh" góp sức trẻ để vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp
