Ban Dân nguyện đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc tại dự án Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè
Tháo gỡ thế khó cho doanh nghiệp
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu, Ban Dân nguyện có nhận được đơn từ Công ty CP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam với nội dung đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước để hoàn chỉnh các hạng mục công trình còn dở dang của dự án Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè (2711 Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) do Công ty CP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam đầu tư xây dựng.
Do đó, Ban Dân nguyện chuyển đơn và tài liệu kèm theo của Công ty CP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Văn bản của Ban Dân nguyện gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết vướng mắc tại dự án Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè |
Trong khi đó, tại buổi Tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - những vấn đề đặt ra”, do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã từng đề cập tới dự án này.
Theo đó, vị đại biểu cho rằng, chúng ta đang làm khó doanh nghiệp, điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Vì thế, ông đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo, bên cạnh đó cũng trao đổi với Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo và cần thiết giám sát tổ chức tín dụng. Nếu tổ chức tín dụng bất chấp không thực hiện hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chung, bởi vì xăng dầu cũng là an ninh quốc gia.
"Chúng tôi nhận đơn thư các doanh nghiệp về hoạt động tín dụng, vốn nhận thấy đây là vấn đề lớn, nếu không có thì không thể làm kho dự trữ xăng dầu. Quy hoạch đã có, vấn đề quan trọng Nhà nước chỉ lo 1.500 tỷ trong 4.100 tỷ hàng năm, nếu không dựa vào doanh nghiệp thì sao? Đây là vấn đề có liên kết, liên thông rất chặt chẽ. Cho nên, vai trò Nhà nước thể hiện rất rõ, không chỉ chỉ đạo điều hành, mà còn thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu", TS. Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề tại buổi tọa đàm.
Một phần dự án Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè hiện nay |
Tiếp nối ý kiến trên, ông Vũ Thành Nam, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, đây là dự án mà lãnh đạo đã giao cho chính ông Nam thụ lý văn bản góp ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở và Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản góp ý kiến thẩm định cơ sở số 3834/BXD-HĐXD ngày 7/8/2020.
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án, ông Nam nhận thấy các kết quả thiết kế được lập bài bản, thiết kế dây chuyền công nghệ được thực hiện rất tỉ mỉ, chỉn chu.
Theo đó, dự án này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 13/7/2017. Trong đó tổng quy mô sức chứa 450.000m3 (bao gồm: Giai đoạn 2017 - 2020 quy mô đầu tư 230.000m3; Giai đoạn 2026 - 2030 quy mô đầu tư 220.000m3). Tuy nhiên, theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh thông tin được biết dự án hiện nay đang gặp vướng mắc và đang dừng thi công.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, cũng là người được giao thụ lý dự án này, ông Vũ Thành Nam nhận thấy cần phải có giải pháp sớm tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Đặc biệt là đề nghị Ngân hàng Nhà nước với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngân hàng trên 63 tỉnh thành, làm sao tháo gỡ kịp thời vướng mắc để dự án sớm được tiếp tục được triển khai thi công xây dựng.
Thứ hai, ở góc độ một người dân, ông Nam cho biết, cần phải tính đến các hệ lụy có thể xảy ra khi dự án kho xăng dầu hàng không Miền Nam không được hoàn thành đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lúc đó sẽ xảy ra tình trạng mất cân bằng dự trữ xăng dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Qua đó, ông Vũ Thành Nam nhận thấy, hiện nay dự án có một vướng mắc quan trọng cần tháo gỡ, đó là cần kịp thời được cấp có thẩm quyền xem xét tầm quan trọng dự trữ chiến lược của dự án để quyết định đưa dự án từ nhóm 5 là nhóm dự án nợ xấu sang nhóm 1 để dự án được triển khai bình thường nhằm đáp ứng tiến độ đã được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Đến thời điểm này, theo ông Nam, tiến độ dự án đã bị chậm nhiều, không nên để bị chậm thêm nữa, vì khi đó sẽ không đảm bảo yêu cầu dự trữ xăng dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè thi công dang dở, rỉ sét |
"Theo tôi được biết, tài liệu họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu ngày 28/3/2023, Ban soạn thảo đã đề xuất chuyển dự án này sang giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô sức chứa phải hoàn thành 230.000m3. Tuy nhiên, hiện nay dự án chưa được tháo gỡ vướng mắc và vẫn tiếp tục bị dừng thi công.
"Do đó, tôi có băn khoăn là dự án bị chậm tiến độ và giờ đây tuy đã được chuyển tiếp từ Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 13/7/2017 sang dự thảo Quyết định phê duyệt mới để trình Thủ tướng Chính phủ thì dự án có kịp về đích trong giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo yêu cầu dự trữ xăng dầu theo như Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay không? Điều này cần có sự vào cuộc của các cơ quan của Quốc hội cũng như Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho dự án...", ông Vũ Thành Nam, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.
Giải quyết vấn đề nguồn vốn, cần thiết phải đưa vào thanh tra giám sát
Cũng trong buổi tọa đàm, đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải có đề xuất về mức tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho. Cụ thể, để tạo cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đẩy mạnh triển khai xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung thì về phía ngân hàng cần có những chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp như nới trần vay...
Về chính sách từ phía ngân hàng, bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận vốn.
Hạ tầng, máy móc, thiết bị Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè hoang hóa |
Đồng thời, TS. Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu quan điểm, nếu chúng ta chỉ điều hành theo vấn đề thông thường sẽ rất khó. Chỉ cần buông lỏng quản lý sẽ dẫn đến hậu quả không sửa chữa được. Ví dụ, người ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ rồi đột ngột dừng thì toàn bộ hư hỏng, lãng phí xã hội, liên quan đến Luật Tiết kiệm phòng chóng lãng phí chứ không chỉ đơn giản vấn đề hợp đồng.
"Chúng ta có thể chế chính trị, pháp lý, có quy hoạch, còn có cả quy hoạch thành phần. Thủ tướng có quy hoạch riêng về phát triển dầu khí, mỗi đề án đều phải xin ý kiến của Bộ, ngành, Chính phủ... Khi chuyển thành quan hệ giữa 2 doanh nghiệp với nhau, một bên là ngân hàng thương mại, một bên là doanh nghiệp thì chỉ xem là hoạt động kinh tế bình thường là không được", TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại buổi tọa đàm |
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, cái quan trọng nhất hiện nay vẫn là chỉ đạo điều hành từ Nhà nước. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cân đối bao nhiêu đấy là vấn đề quá hiểu, tiền phải huy động xã hội, tiền của ngân hàng là tiền của dân nhưng vào trong tay ngân hàng thì phải có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn, có lãi và phải làm theo Luật, chứ không được cảm tính. Quốc Hội cũng cần xem xét lại nghị quyết về nợ xấu...
“Đối với lĩnh vực xăng dầu, dự trữ xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các hợp đồng tín dụng có liên quan. Cần thiết phải đưa vào thanh tra giám sát. Như vậy sẽ chặt chẽ, đánh giá rõ, tránh hiện trạng “ông nói xuôi, bà nói ngược”. Muốn đảm bảo xã hội hóa, cần nới lỏng chính sách tín dụng nhưng theo kiểu thắt chặt. Có chính sách ưu tiên, ưu đãi, đánh giá, hợp lý không cảm tính, cần có chính sách tín dụng riêng về lĩnh vực này”, TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.