Bàn giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số
Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái Ý nghĩa mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” |
Phát hiện những vấn đề xã hội cấp thiết
Hội thảo này là một hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho hay: Sau gần 3 năm triển khai, Dự án đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Sau 6 tháng đầu năm 2024, nhiều chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã đạt và vượt kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Hạn chế trong tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và các dịch vụ công cộng.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu ý kiến tại hội thảo |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 70 bài viết, qua chọn lọc và phản biện độc lập đã chọn lựa được 39 bài viết tiêu biểu để xây dựng kỷ yếu hội thảo.
Qua các bài viết đã phát hiện những vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Các hủ tục, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết, trẻ em bỏ học sớm, bạo lực và định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em, chất lượng cuộc sống, tiếp cận chuyển đổi số...
Trình bày ý kiến tại hội thảo, bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An chia sẻ về những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện miền núi.
Theo bà Nguyệt, trẻ em tại các khu vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu dinh dưỡng, điều kiện học tập kém và thiếu cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, giáo dục phát triển toàn diện. Bà đề xuất cần có những chương trình đặc biệt nhằm cải thiện chất lượng giáo dục và dinh dưỡng cho trẻ em vùng khó khăn…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại hội thảo |
Mở rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững
Tại chương trình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh, để cuộc sống của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số thật sự thay đổi, cần kết hợp giữa hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng sống và phát triển sinh kế bền vững. Theo đó, mô hình nhóm sinh kế với sự tham gia tích cực của phụ nữ thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực, giúp chị em tăng thu nhập và tự tin hơn trong cuộc sống.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự và chia sẻ tại hội thảo |
Đồng tình với nhận định nêu trên, bà Bế Thị Hồng Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, phụ nữ dân tộc thiểu số có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực kinh tế như sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, và du lịch cộng đồng nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết về tài chính và kỹ thuật.
Sau khi nghe tham luận từ các chuyên gia, các đại biểu đã chia nhóm để trao đổi thêm về kết quả triển khai Dự án, cùng những đặc điểm thực tế tại từng địa phương và rút ra những nội dung cần tiếp tục tập trung giải quyết như: Tỷ lệ phụ nữ, trẻ em mù chữ; bạo lực gia đình; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; hủ tục; chuyển đổi số.
Hội thảo cũng thống nhất nội dung cần tiếp tục triển khai và mở rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững, tập trung vào việc nâng cao năng lực số cho phụ nữ; xây dựng các chương trình giáo dục chuyên biệt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số...