Bản hòa ca ngày non sông thống nhất
Thanh niên Hà Nội hăng hái với trách nhiệm non sông Xúc động chương trình nghệ thuật "Khát vọng thống nhất" Ban Tổ chức T.Ư thống nhất phương án nghỉ lễ 30/4-1/5 dài 5 ngày |
Xúc động vô bờ
Đó là cảm xúc của những người may mắn được trải qua thời khắc lịch sử ấy, khi tin chiến thắng trận đánh cuối cùng báo về. Nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải, Bắc Nam chung một nhà, không còn chiến tranh, không còn chia cắt đôi bờ, không còn mất mát, đau thương nữa.
NSƯT Kim Cúc sinh năm là phát thanh viên đầu tiên đọc bản tin chiến thắng trưa 30/4/1975 trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ngay sau khi xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập - biểu tượng cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
NSƯT Kim Cúc kể: “Hôm ấy, vào đúng ca trực nhận tin của phóng viên Anh Trang. Cô Trang nhận được tin từ Bộ Tổng tham mưu báo có tin chiến thắng, đề nghị sang nhận ngay, lại được nhắc nhở tin đặc biệt quan trọng. Bình thường các phóng viên sẽ đạp xe sang phố Lý Nam Đế nhận tin nhưng hôm ấy cô Trang được điều động ô tô”.
Nhận bản tin từ phóng viên Anh Trang, phát thanh viên Kim Cúc khi ấy xuống ngay hầm phát trực tiếp, đọc bản tin chiến thắng. Bà cho biết, đến tận khi cầm tờ bản tin trên tay bà mới biết đó là tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hôm ấy, cùng ca trực với bà còn có phát thanh viên Kim Túy, người miền Nam. Hai người cùng hồi hộp khi ngồi xuống chiếc ghế đọc, phát trực tiếp lên sóng phát thanh, trước mặt là dòng chữ “hàng triệu người đang nghe ta” thì chỉ biết động viên nhau kìm nén cảm xúc.
Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn thanh niên Thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường reo hò tuần hành mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc, ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu) |
Sau khi hoàn thành ca trực, bà lấy xe đạp ra Bờ Hồ, xúc động và hạnh phúc vô ngần khi biết từ đây đất nước đã giành được độc lập. Bà như trút được bao nhiêu gánh nặng, đến bây giờ khi nghĩ lại NSƯT Kim Cúc vẫn vô cùng xúc động và tự hào.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thì kể: Sáng 30/4, hôm đó là thứ tư, tôi đến nhà người bạn cùng trường rủ đi học như mọi khi. Bất ngờ loa truyền thanh báo tin, Sài Gòn đã giải phóng. 12 giờ trưa, cả hai đi học nhưng trường thông báo cho nghỉ. Từ ngõ Mai Hương, đám học trò cuối cấp III đạp xe ùa ra phố, lao về hồ Gươm. Xe đạp, người đi bộ tắc cả phố Bạch Mai, tàu điện không chạy nổi. Có lẽ đây là lần tắc đường đầu tiên ở Hà Nội dù thời điểm đó dân số nội thành chưa đến một triệu người.
Lên đến Bờ Hồ, phố Đinh Tiên Hoàng chật ních, pháo nổ khắp nơi. Bố bạn tôi làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nên cả hai len lỏi đạp xe ra phố Quán Sứ. Tại cột phát sóng, người ta nối các bánh pháo lại với nhau rồi treo từ đỉnh cột xuống tận đất, tiếng pháo nổ kéo dài mấy phút mới hết.
Bài hát “Sài Gòn quật khởi” và “Tiến về Sài Gòn” được phát đi phát lại trên loa truyền thanh, không khí phố phường nhộn nhịp hơn cả đêm giao thừa Tết Nguyên đán. Nhiều xí nghiệp, nhà máy cho công nhân lên xe ô tô, tay dâng cao ảnh Bác Hồ đi quanh các tuyến phố. Học sinh trường nhạc vừa đi vừa kéo đàn phong cầm và violon. Tàu điện chạy trên phố Hàng Gai liên tục leng keng xin đường.
Hạnh phúc to lớn của người Hà Nội
Còn rất nhiều hình ảnh, câu chuyện được ghi lại, kể lại cho thấy nước nhà thống nhất là mong mỏi chung của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó có người Hà Nội.
Bởi lẽ, Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của đất nước. Không trái tim nào không đau khi những bộ phận của cơ thể Việt Nam còn chưa được yên lành. Hơn 20 năm chiến tranh chống Mỹ, Hà Nội cùng hậu phương lớn miền Bắc đóng góp bao sức người, sức của để mong đến thắng lợi cuối cùng.
Biết bao người chờ đợi người thân trở về. Dù rằng, có rất nhiều người Hà Nội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường, trong các nghĩa trang liệt sĩ. Sự hi sinh ấy càng trở nên lớn lao hơn, anh dũng hơn bởi cả họ và người thân đều biết rằng máu xương ấy để đổi lấy hòa bình quý giá của dân tộc.
49 năm đã trôi qua, đất nước hòa bình ngày càng phát triển lên những tầm cao mới. Mỗi năm vào dịp này, tại Hà Nội - trung tâm của cả nước, rất nhiều triển lãm, trưng bày, nhiều cuốn sách, những buổi giao lưu, tọa đàm được tổ chức để thế hệ ngày này càng thấu hiểu những khó khăn, gian khổ, mất mát, đau thương mà đất nước đã từng trải qua. Để từ đó, mỗi người đều trân quý hơn hòa bình chúng ta được thụ hưởng, để sống sao cho xứng đáng với công lao thế hệ đi trước đã tạo dựng.
Đông đảo cán bộ và Nhân dân Thủ đô tập trung tại Thông tấn xã Việt Nam đón nghe tin mừng chiến thắng ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, các hoạt động tri ân người có công với Tổ quốc luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, chăm lo bằng tất cả tấm lòng. Đó cũng là thể hiện tinh thần luôn “Uống ước nhớ nguồn”, “Có trước có sau”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của người Hà Nội. Đây cũng là sự nêu gương “tri ân truyền thống, tiếp lửa tương lai” của lãnh đạo thành phố Hà Nội qua nhiều thời kì.
Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người Hà Nội bao giờ cũng đến dâng hương tại các đài tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sĩ. Đó là hình ảnh rất đẹp về đạo lý biết ơn công lao thế hệ đi trước. Điều đó cũng khắc sâu nên cốt cách, tâm hồn và văn hóa người Thủ đô. Dù vui ngày hôm nay cũng chưa bao giờ quên những năm tháng chiến tranh bom đạn ác liệt khi xưa. Đó là động lực để Hà Nội tiến hành nhiều hơn nữa các hoạt động “Hà Nội vì cả nước”, vươn dài những cánh tay yêu thương của mình tới những vùng còn khó khăn, cần nhiều sự giúp đỡ để cùng đưa đất nước ngày càng phát triển.
Vì thế, trong bản hòa ca đất nước ngày hôm nay luôn có trọn vẹn tình cảm đong đầy của người Hà Nội với tất cả mọi miền Tổ quốc.