Bán lẻ bất động sản cao cấp: Các nhãn hàng chuyển hướng sang Châu Á - Thái Bình Dương
Cửa hàng mới của hai thương hiệu Louis Vuitton và Christian Dior khai trương trong tháng 11/2020 tại Hà Nội |
Tuy vậy, mức chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ tại Trung Quốc có thể tăng 30% so với năm 2019. Nhu cầu cho hàng xa xỉ tại Việt Nam được ghi nhận không sụt giảm nhiều.
Việc áp dụng các biện pháp phong tỏa dịch bệnh trên khắp thế giới đã tác động rất nhiều đến kế hoạch mở các cửa hàng cao cấp trong nửa đầu năm 2020. Với nhiều thương hiệu, họ đang phải vạch định lại chiến lược đầu tư bán lẻ trong bối cảnh dịch Covid vẫn đang hoành hành. Tuy nhiên, Quý III/2020 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về số lượng các cửa hàng vật lý, vượt qua mức trung bình quý.
Gia tăng thị phần tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương
Việc mở rộng ngành hàng xa xỉ trên toàn cầu đã trải qua sự tái cân bằng toàn khu vực vào năm 2020. Các nhà bán lẻ đang hướng trọng tâm sang các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này chiếm 38,9% tổng thị phần toàn cầu trong hoạt động khai trương các cửa hàng cao cấp tính từ tháng 1 đến tháng 10/2020.
Theo dữ liệu của Savills, kết quả này cao hơn năm 2019, khi thị phần của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ ở mức 31,8%. Đây là năm đầu tiên, thị trường Châu Á - Thái Bình Dương vượt qua châu Âu.
Sự dịch chuyển về mặt địa lý trong việc mở các cửa hàng cao cấp được Savills ghi nhận trong 3 năm qua. Xu hướng này trở nên đáng chú ý hơn vào năm nay trong bối cảnh thị trường bán lẻ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mở cửa trở lại cùng với sự phục hồi trong việc chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ thời kỳ sau phong tỏa.
Ông Anthony Selwyn, Trưởng Bộ phận Cao cấp về bán lẻ toàn cầu của Savills, cho biết: “Trong nhiều năm, thị trường Châu Á - Thái Bình Dương đóng góp rất quan trọng vào hoạt động kinh doanh toàn cầu của các nhãn hàng cao cấp. Hiện nay, đây là khu vực cho thấy sự phục hồi tích cực sau Covid-19, thúc đẩy sự mở rộng và đầu tư nhiều hơn”.
Biểu đồ: Số lượng các cửa hàng mới mở |
Trung Quốc: Gia tăng chi tiêu và mở mới các cửa hàng
Hiện tượng gia tăng này chủ yếu do các nhà bán lẻ mở rộng các cửa hàng vật lý trên khắp Trung Quốc.
Trung Quốc chiếm 18,8% tổng thị phần toàn cầu trong hoạt động mở mới các cửa hàng đến năm 2020, vượt xa mức trung bình của ba năm trước đó là 6,4%.
Trung Quốc cũng ghi nhận số lượng mở cửa hàng cao cấp tăng 64,7% so với năm 2019, trở thành thị trường lớn duy nhất có tăng trưởng trong giai đoạn này.
Nhiều nhà bán lẻ đã tận dụng năm nay để mở rộng hiện diện nhằm đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm xa xỉ, đặc biệt vào thời điểm khách du lịch Trung Quốc phần lớn không thể du lịch đến các thành phố bán lẻ nổi tiếng như London, Paris và Milan.
Trong những tháng gần đây, du lịch nội địa Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau thời gian kiềm tỏa trong quý đầu tiên. ForwardKeys cho biết, tính đến cuối tháng 8, lượng khách nội địa đạt 86% so với năm 2019. Con số này tăng mạnh sau Tuần lễ vàng Quốc khánh Trung Quốc vào đầu tháng 10.
Sự phục hồi của du lịch nội địa và các thành tựu kinh tế cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hỗ trợ tiêu dùng nội địa như một yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Nỗ lực thúc đẩy chi tiêu nội địa đang được Trung Quốc áp dụng. Do đó, dự báo mới nhất từ Boston Consulting Group cho thấy chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ ở Trung Quốc vào năm 2020 có thể tăng hơn tới 30% so với năm 2019, bất chấp việc các cửa hàng tạm thời đóng cửa hồi đầu năm.
Ngược lại, thị trường xa xỉ toàn cầu dự kiến sẽ giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái, do châu Âu và Hoa Kỳ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế kéo dài và sự mất ổn định việc làm.
Kể từ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã tăng rõ. Đơn cử, nhãn hàng Hermes báo cáo doanh thu kỉ lục lên đến 2,7 triệu đô la Mỹ tại Quảng Châu trong ngày mở cửa trở lại. Tương tự, Canada Goose gia tăng hiện diện của hãng tại Trung Quốc Đại lục với một cửa hàng mới ở Thành Đô đạt kết quả hoạt động “ngoài mong đợi” và thêm ba cửa hàng mở mới trong năm nay.
Biểu đồ: Tỷ lệ mở các cửa hàng mới theo từng khu vực thị trường |
Việt Nam: Nhu cầu nội địa không sụt giảm nhiều
Thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách du lịch quốc tế có giảm mạnh. Trên bình diện mặt bằng bán lẻ, các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu lớn đối với các mặt bằng cao cấp, tại các vị trí đắc địa. Song, đi kèm với đó là áp lực về giá thuê ngày càng tăng.
Được đánh giá là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có chỉ số GDP tăng trưởng dương trong 2020, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì kinh tế ổn định và phát triển ở mức nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tổng GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 1,8% trong năm 2020 và nhanh chóng phục hồi trở lại mức 6,3% trong năm 2021.
Việt Nam cũng nhận được nhiều lời khen từ các quốc gia trên thế giới nhờ khả năng kiềm tỏa tốt dịch bệnh Covid-19. Điều này càng tạo nên triển vọng phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia ở khu vực.
Thặng dư thương mại cũng là một yếu tố giúp đảm bảo giá trị đồng tiền ổn định, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường Việt Nam.
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở giai đoạn thay đổi quyết định, với GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa là rất lớn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nhu cầu về bất động sản sẽ ngày càng lớn và giá bất động sản tiếp tục tăng.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự gia tăng thu nhập của nhân công tại Trung Quốc sẽ tạo ra sự dịch chuyển trong lĩnh vực sản xuất và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Đầu năm 2021, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV sẽ giúp bình ổn chính trị và đẩy nhanh phát triển kinh tế đất nước. Điều này dẫn đến các kỳ vọng lạc quan hơn về hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và ngành bất động sản sẽ hưởng lợi trực tiếp.
Năm 2020 đang và sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách đối với lĩnh vực bán lẻ. Trong khi doanh số ở một số lĩnh vực kinh doanh có thể tăng cao, những khu vực khác sẽ giảm đáng kể, vẫn có các nhà bán lẻ xem xét khả năng đóng cửa tại các địa điểm ít sinh lời.
Các nhà bán lẻ có thể thay đổi các chương trình ưu đãi và tiếp cận đối tượng khách hàng mới và tận dụng nguồn cầu tại từng thị trường địa phương để gặt hái mức tăng trưởng tốt.