Bạn trẻ bàn cách giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu, bia
Ám ảnh từ những vụ tai nạn giao thông mang tên bia, rượu “Mạnh tay” xử lý các lỗi vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn Luật sư kiến nghị nghiêm trị "ma men" gây tai nạn giao thông |
Những mức phạt thích đáng cần được duy trì và phát huy
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thực tiễn đã có tác động mạnh tới ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là trong việc sử dụng rượu bia khi lái xe. Rất nhiều cá nhân đã có ý thức thực hiện quy định mới của Chính phủ, sử dụng rượu bia là không lái xe.
Theo quy định, những lái xe gây tai nạn giao thông khi đã uống rượu, bia, tùy theo mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính và bị tước giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là tình tiết tăng nặng đối với lái xe gây tai nạn. Điều đó cho thấy, chế tài rất nghiêm khắc nhưng, trước những cuộc vui nhiều người vẫn bất chấp.
Nhiều người sử dụng rượu, bia gây ra tai nạn dẫn đến chết người đã phải nhận những bản án nghiêm khắc, có tính răn đe. Tai nạn giao thông do sử dụng quá mức về rượu, bia cũng để lại nhiều hậu quả rất lớn về mặt xã hội, kinh tế và cả chính gia đình người gây ra.
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn (Ảnh minh họa) |
Nói về vấn đề tài xế sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bạn Trần Ngọc Minh (20 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã được chứng kiến. Những tài xế sử dụng bia rượu tham gia giao thông bị xử phạt rất nặng.
“Có vẻ như vật chất quyết định ý thức nên sau khi bị phạt nặng mọi người sẽ không tái phạm lại nữa. Văn hóa giao tiếp rượu, bia đã trở thành thói quen khó bỏ thì chúng ta càng phải nâng cao ý thức "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Tôi thấy vẫn có những cá nhân chưa sợ, chưa ý thức và tuân theo. Mức xử phạt hiện nay khá hợp lý, tuy nhiên có thể tăng hình phạt bổ sung”, Ngọc Minh chia sẻ ý kiến.
Bạn trẻ Trần Ngọc Minh đưa ra ý tưởng thực hiện dịch vụ thuê tài xế công nghệ cho người đã sử dụng rượu, bia |
Không chỉ sát sao với người sử dụng rượu, bia mà Minh còn đưa ra “kiến nghị” rất thú vị cho các đơn vị kinh doanh mặt hàng này. “Theo tôi các quán rượu, bia cũng cần có trách nhiệm với khách hàng của mình. Các quán nên mở thêm dịch vụ trông giữ phương tiện qua đêm hay liên kết với dịch vụ gọi xe công nghệ thuê tài xế đưa về khi đã lỡ uống bia, rượu để đảm bảo an toàn cho khách hàng”.
Trong mọi thời điểm, vai trò của Cảnh sát giao thông luôn rất quan trọng: Kiểm tra, giám sát trong mọi thời điểm, đặc biệt là các dịp Tết, lễ hội đang rục rịch tới gần.
“Vào các kì nghỉ, lễ hội, mọi người thường có xu hướng gặp mặt bạn bè, người thân, cùng ăn uống, vui chơi nên việc sử dụng rượu bia là không tránh khỏi. Tôi nghĩ công tác kiểm tra, giám sát ở những giai đoạn này rất quan trọng”, bạn Tạ Thảo Nguyên (19 tuổi, ở Hà Nội) nêu ý kiến.
Bạn Tạ Thảo Nguyên đề nghị lực lương chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát trong các dịp Tết, lễ hội |
Chú trọng giáo dục ý thức cho trẻ em
“Không tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia” không chỉ là khẩu hiện người lớn phải nhớ mà các em nhỏ, những bạn học sinh cũng cần được dạy bảo để hình thành thói quen, lối suy nghĩ đúng ngay từ khi còn nhỏ.
Triển lãm tranh thiếu nhi vẽ về an toàn giao thông (Ảnh minh họa) |
“Mình thấy việc đưa vấn đề an toàn giao thông, tác hại của rượu, bia vào trường học đã được triển khai nhưng có vẻ chưa đủ sâu sát”, bạn trẻ Phương Thanh (23 tuổi) bày tỏ.
Thay vì các bài giảng, các buổi thuyết trình khá khô khan, nhà trường nên tổ chức các cuộc thi tài năng như vẽ tranh, đóng kịch, múa hát để các bạn học sinh thỏa sức phát huy năng khiếu. Nếu các em đã thích thì nhất định sẽ tự tìm hiểu và đầu tư tâm huyết cho nó.
“Mình nghĩ nên tổ chức các buổi chiếu phim về những câu chuyện phía sau tai nạn giao thông do bia, rượu. Những hoạt động này có lẽ sẽ tạo điểm nhấn cảm xúc để các em luôn ghi nhớ không ngồi trên xe người đã sử dụng rượu, bia”, Thanh chia sẻ về ý kiến của mình.
Phương Thanh cho rằng nên bắt đầu giáo dục về an toàn giao thông cho trẻ em từ khi còn bé |
“Đừng coi thường sức truyền tải của trẻ em, nhất là các em nhỏ thường hay học theo những gì được dạy. Nếu được dạy về an toàn giao thông hàng ngày thì những điều đó sẽ được các em mang về nhà, trao đổi cùng người lớn trong nhà.
Tất nhiên, để làm gương cho con thì mọi người sẽ lựa chọn tuân thủ quy định không lái xe khi đã uống rượu bia. Sức ảnh hưởng của con cái với ông bà, cha mẹ cũng lớn lắm đấy", cô bạn Phương Thanh nhấn mạnh.