Báo chí nước ngoài tiếp tục đánh giá cao sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh |
Triển vọng kinh tế Việt Nam
Việt Nam có khả năng nổi lên như một nền kinh tế đầy triển vọng ở Châu Á và đang có tốc độ tăng trưởng tốt hơn mức trung bình nhờ: Đầu tư trực tiếp nước ngoài cao; Tiêu dùng nội địa và tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể; Tập trung thúc đẩy sản xuất chế tạo theo định hướng xuất khẩu; Môi trường kinh doanh được cải thiện; Khả năng kết nối thị trường và lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở Đông Nam Á.
Việt Nam có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và kinh tế vĩ mô ổn định hơn trong năm 2023. Triển vọng quý II/2023 sẽ được cải thiện nhờ sự phục hồi của lượng đơn đặt hàng bắt đầu từ tháng 2/2023.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo trong năm 2023, Việt Nam sẽ vượt Singapore và Malaysia để vươn lên vị trí thứ ba trong ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan về quy mô nền kinh tế. Với tốc độ tăng GDP như hiện nay, Việt Nam được dự báo sẽ vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á.
Tàu điện trên cao tuyến Yên Nghĩa - Cát Linh (Hà Nội) |
Thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng chiến lược và quyết định mọi vấn đề chính sách lớn. Cách điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 đang truyền cảm hứng và là hình mẫu cho các quốc gia khác trong khu vực.
Điều đó thể hiện qua các khía cạnh: Khi đại dịch hoành hành dữ dội, Việt Nam đã thực hiện các bước quyết đoán để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; Lạm phát được kiểm soát tốt do Chính phủ và các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp quyết liệt; Thực hiện các biện pháp giữ tốc độ tăng trưởng GDP cao; Nỗ lực tăng cường sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; Đẩy mạnh nỗ lực tăng cường thương mại quốc tế; Giữ được tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tìm cách chuyển hướng khỏi ngành công nghiệp nặng và chọn lọc hơn trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư nước ngoài; Củng cố quan hệ với các đối tác thương mại toàn cầu, thu hút đầu tư thông qua nhiều biện pháp khuyến khích, kết nối quốc tế tốt.
Trong ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia và Singapore về quan hệ thương mại quốc tế và chuyển dịch sang bền vững.
Việc điều hành khéo léo các biến số quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô như lạm phát, GDP, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, tăng việc làm để chống lại các xu hướng bất lợi phát sinh từ đại dịch đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Cảng Hải Phòng |
Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi từ việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc và việc Trung Quốc bỏ chiến lược phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt. Qua đó, Việt Nam đã đón làn sóng đầu tư từ Trung Quốc.
Chỉ trong 50 ngày đầu tiên của năm 2023, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào 45 dự án mới tại Việt Nam với tổng số vốn lên tới 250 triệu USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, con số cao nhất trong tất cả các nước đầu tư vào Việt Nam.
Các nhà cung cấp của Apple, bao gồm cả Goertek, đang chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc ở tốc độ nhanh hơn so với dự đoán. Điều này cho thấy thực tế là Trung Quốc đang đánh mất một số chuỗi cung ứng vào Việt Nam và Ấn Độ.
Bên cạnh Thái Lan, Singapore và Indonesia, Việt Nam là nước hưởng lợi chính từ sự quay trở lại của du khách Trung Quốc. Nhờ đó, thị trường lao động của Việt Nam và Đông Nam Á sẽ được thúc đẩy trở lại.
Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc ăn ở bên ngoài nhiều hơn, nhu cầu đối với các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp do các nước Đông Nam Á sản xuất cũng tăng lên. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp phụ trợ có thể được hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc+1.
Thương mại điện tử, công nghệ tài chính có tiềm năng phát triển mạnh mẽ
Hãng McKinsey and Company dự báo, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể lớn ngang ngành bán lẻ truyền thống vào năm 2025.
Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng để thị trường thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nhờ phần lớn dân số dưới 40 tuổi và cực kỳ am hiểu công nghệ so với thế hệ trước, trở thành động lực làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Nước ta cũng là thị trường mới nổi trong khu vực năng động, đồng thời là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và thương mại xã hội. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thu nhập khả dụng ngày càng cao sẽ tạo sự bùng nổ chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu trực tuyến, không dùng tiền mặt.
Một góc thành phố Đà Nẵng |
Bên cạnh đó, lĩnh vực fintech của Việt Nam đạt đến tầm cao mới. Khung pháp lý mới đang tiếp tục thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Từ đó, thị trường fintech trở thành lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn vì có rất nhiều cơ hội để tham gia và mở rộng quy mô.
Vừa qua, phái đoàn doanh nghiệp gồm 52 công ty, được coi là “lớn nhất từ trước đến nay” của Mỹ, trong đó có SpaceX, Netflix và Boeing… đã đến Việt Nam với hy vọng thâm nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh trong bối cảnh nước ta trở thành điểm đến thay thế Trung Quốc cho các công ty tìm cách đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung.
Diễn biến này cho thấy, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tầng lớp trung lưu gia tăng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.
Trong vài năm qua, kinh tế Việt Nam đã vượt xa các quốc gia ASEAN mới nổi khác. Quá trình tăng trưởng kinh tế đặc biệt của Việt Nam dẫn đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, mở đường cho sự phát triển của thị trường vốn địa phương. Thị trường vốn của Việt Nam mạnh mẽ, dẫn đầu là sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và tiềm năng cho tương lai.
Cảng Chu Lai thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam |
Nhìn chung, dư luận báo chí nước ngoài đánh giá tích cực về hoạt động và triển vọng kinh tế Việt Nam nhưng nước ta không tránh khỏi những khó khăn chung mà toàn cầu đang đối mặt. Tuy nhiên, những thách thức về quản trị này có thể chỉ là tạm thời.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng như: Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh, cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; Tăng cường năng lực và kỹ năng cho người lao động và cán bộ quản lý; Tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến; Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn; Chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả; Tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2023.