Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết
Tăng cường kiểm soát thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội Kiểm soát thị trường thực phẩm Tết Đồng bộ biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể |
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn
Theo Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội, sau 1,5 tháng ra quân (tính từ ngày 15/12/2023 cho đến nay), các đoàn đã kiểm tra được 5.725 cơ sở, phát hiện 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 4,75 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra một siêu thị trên địa bàn huyện Đan Phượng |
Ngoài ra, trong năm 2023, các đoàn liên ngành của TP Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 200 cơ sở vi phạm ATTP; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, dù đã được cải thiện nhưng thị trường thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.
Trực tiếp làm việc và kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết tại các quận, huyện, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong - Thành viên Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từ thành phố đến xã, phường được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, hạn chế việc chồng chéo. Có thể nhận định, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở đã chuyển biến tích cực. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Phong, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở các xã, phường hiện rất thiếu. Ngoài phụ trách công tác an toàn thực phẩm, lực lượng này còn có nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian. Chủ cơ sở chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm.
Nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trung ương và thành phố Hà Nội kiểm tra một xưởng sản xuất thực phẩm tại huyện Gia Lâm |
Theo đó, thành phố yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, ngành.
Để thuận lợi cho việc quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương, TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phần mềm hệ thống thông tin dùng chung của các đơn vị thuộc bộ, địa phương để kết nối, chia sẻ thông tin, cung - cầu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, chế biến, phân phối sản phẩm và các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản trên toàn quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… trên địa bàn thành phố.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị |
Từ nay đến ngày 15/3/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra an toàn thực phẩm Tết và lễ hội Xuân tại các quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Tây Hồ, Sóc Sơn và Mỹ Đức.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn.
Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên toàn thành phố. Ngành Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra, trọng tâm là cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội, các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực tổ chức lễ hội xuân lớn; chủ động kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Để vui Tết trọn vẹn, phòng tránh ngộ độc, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trong việc chọn mua, bảo quản và tiêu thụ thực phẩm.