Bảo hiểm thất nghiệp: Phao cứu sinh cho người lao động khi gặp rủi ro về việc làm
Tu vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Ảnh: Vương Đức
Bài liên quan
Gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do ảnh hưởng dịch Covid-19
Bài 3: Học gì để không thất nghiệp?
Đổi mới, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm vệ tinh
Gia tăng số người có việc làm, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp
Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, việc làm
Đối với các nước phát triển, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp được coi là một công cụ “hấp thụ sốc tự động” cho nền kinh tế. Trên thế giới, bảo hiểm thất nghiệp phát triển khi kinh tế thị trường phát triển, thị trường lao động phát triển mạnh thì khả năng rủi ro thất nghiệp lớn.
Bảo hiểm thất nghiệp ra đời hướng đến chính là người lao động với mục đích giúp họ có được sự bù đắp về kinh tế nếu xảy ra tình trạng thất nghiệp, yên tâm ổn định cuộc sống và tiếp tục tìm việc làm mới, phát triển kinh tế cho bản thân, đồng thời đóng góp công sức vào sự phát triển của xã hội. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp người sử dụng lao động không mất chi phí trả thêm cho người lao động khi họ mất việc làm.
Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể là nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư và phát triển nền kinh tế đất nước, mặc dù chỉ là một phần nhưng đây là nguồn vốn đáng kể để Nhà nước có thể khắc phục những vấn đề xã hội và đầu tư phát triển nhiều hạng mục kinh tế. Đặc biệt, vai trò của bảo hiểm thất nghiệp còn thể hiện ở việc giúp giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia đối với việc hỗ trợ chi phí cho người lao động khi họ thất nghiệp, là cách tốt nhất để sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước vào các mục đích ổn định và phát triển kinh tế xã hội về sau.
Có thể nói, vai trò của bảo hiểm thất nghiệp đối với cả 3 bên có liên quan là người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước đều rất quan trọng. Đây là chính sách an sinh xã hội có thể phát huy hiệu quả rất lớn trong quá trình hoạt động của mình.
Theo kinh nghiệm của các nước đã thực hiện chính sách này thành công và có một quá trình phát triển lâu dài (Đức thực hiện từ 1927, Mỹ thực hiện từ 1935, Chi Lê thực hiện từ 1937, Canada đã thực từ 1941, Trung Quốc thực hiện từ năm 1986,...) thì giai đoạn đầu thực hiện, chính sách tập trung cho việc giải quyết chế độ đối với người lao động bị mất việc làm nhằm đảm bảo thu nhập cho họ trong thời gian thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm để giúp người lao động nhanh chóng có được việc làm mới và việc làm tốt hơn.
Cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, trình độ quản lý cũng như trình độ của người lao động và người sử dụng lao động được nâng lên, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được phát triển trở thành chính sách bảo hiểm việc làm, chính sách này không chỉ hỗ trợ đối với người thất nghiệp mà còn hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động trong thời gian làm việc và tham gia đóng bảo hiểm.
Bảo hiểm việc làm sẽ hỗ trợ cho người sử dụng lao động giảm bớt chi phí trong việc đào tạo người lao động, hỗ trợ cải tạo môi trường, điều kiện làm việc, hỗ trợ đóng bảo hiểm, hỗ trợ một phần tiền lương,… để đạt được mục đích cuối cùng là duy trì việc làm cũng như chuyển đổi vị trí việc làm cho người lao động trong thời gian làm việc cho người sử dụng lao động.
Ở Việt Nam cũng vậy, giai đoạn từ khi thực hiện chủ trương đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến đầu những năm 2000, do đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới công nghệ và tác động của các hiệp định song phương, cung lao động vượt quá cầu lao động cùng với sự di chuyển lao động từ nông thôn ra thành phố, tình trạng mất việc làm trở thành một vấn đề bức xúc. Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kể từ ngày 1/01/2009; bảo hiểm thất nghiệp gồm 4 chế độ: trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế.
Sau đó, trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp/bảo hiểm việc làm tại các nước trên thế giới, với việc xác định lại mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ dừng lại hỗ trợ người lao động về thu nhập, kỹ năng khi bị thất nghiệp để mau chóng tìm được việc làm mới mà quan trọng hơn là phải duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho người lao động. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã có một bước phát triển mới mà đích đến là chính sách bảo hiểm việc làm được thông qua việc bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; đồng thời với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và cải tiến quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Với bản chất bảo hiểm thất nghiệp xuất phát từ quan hệ lao động và hoạt động chủ yếu dựa trên tình trạng việc làm của người lao động, Bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động,...
Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách và việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn quốc tế, các cơ quan, ban, ngành xác định rõ bảo hiểm thất nghiệp phải gắn liền với các cơ quan điều phối, kết nối, hỗ trợ thị trường lao động ở Trung ương và địa phương và phải do cơ quan dịch vụ việc làm công trực tiếp thực hiện. Các trung tâm dịch vụ việc làm công phải từng bước đổi mới mô hình tổ chức thức hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.