Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chắp cánh cho thương hiệu Việt bay xa
Doanh nghiệp bị “cướp” thương hiệu ở thị trường quốc tế
Theo ông Lê Ninh Giang, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ khai thác quyền SHTT, việc duy trì và phát triển DN, quản trị thương hiệu là một trong những yêu tố quan trọng trong việc tăng cường sức hút đối với khách hàng và đối tác; Nâng cao uy tín của DN bằng danh tiếng tạo ra giá trị của chính mình trên thương trường. Quá trình phát triển kinh doanh phải đi kèm với khả năng khuyến khích, thúc đẩy và duy trì đổi mới sáng tạo.
Để tối ưu hóa giá trị của đổi mới sáng tạo, theo ông Giang, mỗi nền kinh tế cần tập trung xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, trong đó ghi nhận vai trò của SHTT. Thực trạng tại nước ta hiện nay chưa có nhiều DN hiểu đúng tầm quan trọng của vấn đề này.
Bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ là “chìa khóa” đưa các thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế |
Trong khi đó, trên thế giới các DN đa quốc gia đều đầu tư nhiều nguồn lực cho vấn đề này và một trong những việc đó là đăng kí bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ (TSTT) của DN. “Đã có nhiều trường hợp DN Việt dù đã đầu tư rất nhiều vào thương hiệu của mình trong nước, sản phẩm tốt được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, tuy nhiên khi ra thị trường quốc tế lại trở nên vô danh, thậm chí bị “cướp” thương hiệu do bị một DN nước ngoài khác đăng kí trước”, ông Giang cho hay.
Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Luật Bross và cộng sự cho biết đã có nhiều vụ việc DN mất tài sản SHTT ở nước ngoài. Điển hình như vụ việc chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị các DN Mỹ, Trung Quốc, Australia đăng ký làm nhãn hiệu. Thương hiệu Vinataba được đăng ký ở các lãnh thổ Indonesia, Pháp. Năm 2001, sáng chế kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi đã được một cá nhân Nhật Bản đăng ký bằng độc quyền.
Năm 2011, Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Trung Quốc) đã được Cơ quan SHTT của nước này cấp bảo hộ độc quyền đối với 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "BUON MA THUOT". Việc này gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam.
Năm 2018, nhãn hiệu G7 Coffee được đăng ký ở ở Iceland. Đây là thương hiệu có danh tiếng cao của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Sau đó, Bross & Partners hỗ trợ Trung Nguyên hủy bỏ hiệu lực thành công thương hiệu G7 Coffee bị đăng ký trái phép ở lãnh thổ Iceland vì lý do không trung thực.
Theo Luật sư Lê Quang Vinh, để xảy ra những vụ việc này do các DN chưa mấy để ý đến “Thuộc tính giới hạn lãnh thổ” và “Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên”. Hệ quả của việc này là mất cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường; Đối mặt với rủi ro về pháp lý; Mất lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do: CPTPP, EVFTA, RCEP…
Luật sư Vinh cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho các DN Việt Nam trong chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền SHTT ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt cần lưu ý bảo hộ: nhãn hiệu (thương hiệu), kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích. Khi phát hiện quyền SHTT của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu và thuê luật sư chuyên nghiệp thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền SHTT.
Doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà
Trên thế giới, số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên toàn cầu năm 2019 có sự tăng trưởng. Theo wipo.int, đã có 3.224.200 triệu đơn sáng chế được đăng ký, trong đó Trung Quốc: 43,4%, Mỹ: 19,3%, Nhật Bản: 9,6%, Hàn Quốc: 6,8%, Cơ quan Sáng chế Châu Âu: 5,6%). Về giải pháp hữu ích, có 2.341.180 đơn đăng ký. Nhãn hiệu có 15.153.700 đơn đăng ký. Về kiểu dáng công nghiệp có 1.360.900 đơn đăng ký.
Còn tại Việt Nam, tỷ lệ các DN đăng ký bảo hộ còn quá ít. Số DN chỉ đăng ký 1 đối tượng chiếm chủ yếu. 149/250 DN chưa hiểu thủ tục và nơi đăng ký SHTT.
Theo đó, thực tế số DN đã đăng ký bảo hộ/số lượng đối tượng SHTT đã được đăng ký bảo hộ bao gồm: Nhãn hiệu (147/199), kiểu dáng công nghiệp (31/48), sáng chế, giải pháp hữu ích (0), quyền tác giả (12/25), thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (0), giống cây trồng và vật liệu nhân giống (0).
Theo khảo sát 250 DN (55 DN sản xuất, 75 DN sản xuất & dịch vụ, 120 DN dịch vụ) từ tháng 8 - 12/2019 tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Hậu Giang thì có 192/250 DN có chế độ thưởng cho các sáng kiến, GPHI… Có 237/250 DN không có chiến lược khai thác TSTT và phát triển thương hiệu; 36/250 DN có tiến hành chuyển giao và nhận chuyển giao TSTT; 247/250 không tiến hành định giá, kiểm toán TSTT, thương hiệu; 14/250 DN có Quy chế bảo mật các bí mật thương mại, thông tin, dữ liệu…
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng cấp thiết phải xây dựng một hệ thống quản trị TSTT. Theo đó cần phải tổ chức ứng dụng các tài sản theo cấp độ, quy mô, địa điểm, thời điểm…; Phân chia lợi ích từ thu nhập TSTT được khai thác thương mại; Kiểm toán TSTT, định giá và hoạch định phân bổ tài sản; Xác lập Danh mục thương hiệu/TSTT chiến lược và xây dựng quỹ đầu tư TSTT; Chuyển giao, chuyển nhượng tài sản; Kiểm soát khai thác của các bên liên quan; quản trị chia tách và sáp nhập; quản trị rủi ro liên quan đến các TSTT.
Xây dựng khung pháp lý, tạo dựng nền sở hữu trí tuệ quốc gia hiện đại |
Theo ông Lê Huy Anh - Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, để có nền SHTT quốc gia hiện đại, phát triển, hiệu lực, hiệu quả, thể hiện vai trò tích cực trong thương mại và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển quốc gia, cần có hệ thống pháp luật minh bạch, khả thi, khả đoán, tạo thuận lợi cho các hoạt động xác lập và thực thi quyền SHTT, phân định rõ phạm vi bảo hộ của các đối tượng, chống lạm dụng quyền SHTT, mở đường cho chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, hệ thống bảo vệ và thực thi quyền SHTT phải nghiêm minh, đủ sức răn đe, hiệu lực, hiệu quả (thông qua cơ chế hành chính, dân sự, hình sự, trọng tài, hoà giải) và hệ thống các tổ chức trung gian, tư vấn, hỗ trợ có trình độ chuyên môn cao (đối với những vấn đề về SHTT trong nước và quốc tế).
Hoàn thiện khung chính sách
Về định hướng hoàn thiện các quy định pháp luật và chính sách về sở hữu công nghiệp, ông Huy Anh cho rằng cần khuyến khích tạo lập, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước. Muốn các DN quan tâm, cần tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục xác lập quyền, đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ và tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ xác lập và thực thi quyền. Ngoài ra, phải nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ và thực thi quyền.
Còn bà Đỗ Xuân Hương, Ban định giá, Viện SHTT cho rằng cần thiết phải đào tạo, tư vấn, hỗ trợ và giám định SHTT dành cho DN trong và ngoài nước. Đây là một khâu quan trọng trong trình tự xử lý các tranh chấp, giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền SHTT.
Hiện nay, mới chỉ có một tổ chức duy nhất được thành lập có chức năng thực hiện giám định về SHTT theo trưng cầu, yêu cầu, đó là Viện Khoa học SHTT thuộc Bộ KH-CN.
Theo bà Hương, công tác này giúp bảo vệ TSTT cho DN, giúp DN có thể tự mình thực hiện các thủ tục đăng ký, gia hạn, duy trì hiệu lực, chuyển giao, chuyển nhượng quyền SHTT, khai thác và thương mại hóa quyền SHTT, quản trị TSTT… Ngoài ra, góp phần làm tăng số lượng TSTT được bảo hộ, làm cho nguồn cung (đầu vào) của thị trường khoa học công nghệ ngày càng phong phú hơn và giúp các DN chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin SHCN phục vụ nghiên cứu và triển khai việc thương mại hóa TSTT, đặc biệt là sáng chế.
Ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chương trình là đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chương trình bao gồm các nội dung: Tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ TSTT ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển TSTT; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; Hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội.