Sở hữu trí tuệ góp phần bảo hộ và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Hà Nội không ngừng đẩy mạnh khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
Hà Nội là địa phương có khối lượng tài sản trí tuệ lớn và đa dạng, để khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Thành phố, trong những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các Kế hoạch triển khai, thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiêp, làng nghề của Thành phố.
Cụ thể, trong năm 2020 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Kế hoạch 242/KH-UBND thành phố Hà Nội về mục tiêu xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể các sản phẩm nông nghiệp mang địa danh, Sở đã trình UBND phê duyệt danh mục dự án sở hữu trí tuệ tiến hành theo phương thực tuyển chọn cho 27 dự án (tại Quyết định 4506/QĐ-UBND) đến hết tháng 11 đã tiến hành tuyển chọn và trình UBND Thành phố phê duyệt kết quả tuyển chọn đơn vị tổ chức chủ trì cho 22 dự án như: Rau an toàn Yên Nghĩa - Hà Đông, Hoa Đan Phượng - Huyện Đan Phượng; Gạo Đỗ Động - huyện Thanh Oai, Khoai tây Hương Ngải - Huyện Thạch Thất, Bưởi đỏ Đông Cao - Huyện Mê Linh...
Bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP đặc trưng của Hà Nội đã góp phần nâng cao vị thế cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản |
Việc bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP đặc trưng của Hà Nội đã góp phần nâng cao vị thế cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm làng nghề trên thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chia sẻ về vai trò của sở hữu trí tuệ với việc bảo hộ sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay: Việc đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản sẽ góp phần duy trì và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Song song với hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm được gắn nhãn sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố và các ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức các bước trong việc lập hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP.
Nâng cao giá trị của sản phẩm và doanh nghiệp
Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn được duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nhận thức đúng đắn của các cơ quan quản lý các cấp quận, huyện, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng và quan tâm hơn của các cấp quận, huyện và doanh nghiệp.
Năm 2020, đã hướng dẫn và tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND Thành phố cho phép sử dụng 14 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 1 địa danh đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; Tư vấn, hướng dẫn được 31 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là 25 đơn nhãn hiệu, 6 đơn sáng chế, 1 đơn giải pháp hữu ích và 8 đơn kiểu dáng công nghiệp.
Những năm qua, Hà Nội không ngừng đẩy mạnh bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP |
Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công các hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn. Đặc biệt, trong năm 2020 Phòng quản lý Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện và thị xã tổ chức 18 lớp đào tạo tập huấn phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của địa phương với 1.260 người tham dự; đồng thời phối hợp với một số cơ quan báo chí tuyên truyền hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4...
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ , quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để bảo vệ quyền của mình, chủ sở hữu nhãn hiệu cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định.
Việc bảo hộ nhãn hiệu là sự ghi nhận chính thức của Nhà nước về quyền sở hữu độc quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, từ đó có cơ chế tương ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu. Bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung góp phần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không khó nhưng “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu là vấn đề nan giải. Đòi hỏi đơn vị cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.
Để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình được bảo vệ và thực thi trên thị trường thì các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả các tổ chức, cá nhân đang tham gia phát triển sản phẩm OCOP nên tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ.
Nhãn hiệu được bảo hộ là cơ sở, nền tảng để tổ chức, cá nhân tham gia vào các hệ thống chứng nhận như OCOP. Mặt khác, việc sản phẩm, dịch vụ được gắn tem chứng nhận OCOP sẽ tạo điều kiện để giá trị nhãn hiệu được nâng cao hơn, tạo niềm tin hơn cho người tiêu dùng.