Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc
Nhiều dấu ấn riêng biệt
Với hơn 30 dân tộc sinh sống, Yên Bái được biết đến là vùng đất mang những dấu ấn riêng biệt về văn hóa. Mỗi dân tộc trên mảnh đất này đều mang những bản sắc văn hóa đặc trưng. Đó là vùng đồng bào Tày ở Yên Bình, Lục Yên; Vùng đồng bào Dao ở Văn Yên; Vùng đồng bào Thái ở khu vực cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ, Văn Chấn; Vùng đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải…
Yên Bái cũng có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo tồn, phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 132 di tích được xếp hạng các cấp trong đó 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 12 di tích cấp quốc gia, 119 di tích cấp tỉnh; Đặc biệt, Yên Bái có 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt là Nghệ thuật Xòe Thái vừa qua đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã khôi phục một số lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống, cùng với đó là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Khơ Mú; Dân tộc Xa Phó; Hát Sình ca dân tộc Cao Lan...
Nghệ thuật Xòe Thái là bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc |
Cùng với đó, Yên Bái cũng phục dựng, bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống, các phong tục tập quán như: Đám cưới người Dao quần trắng; Lễ cưới truyền thống dân tộc Mông (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn); Lễ Mừng cơm mới dân tộc Xa Phó (xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên); Tết Xíp xí dân tộc Thái đen (huyện Văn Chấn); Lễ Cấp sắc dân tộc Dao (xã Đại Sơn của huyện Văn Yên); Lễ hội Hạn khuống, dân tộc Thái…
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khích lệ Nhân dân giữ gìn trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội của dân tộc mình. Trong đó mở các lớp truyền dạy do các nghệ nhân và những người am hiểu về văn hóa truyền thống thực hiện.
Hiểu được những giá trị của bản sắc văn hóa, đặc biệt là sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Như vậy, bản sắc con người Yên Bái không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp để Yên Bái đổi mới, phát triển. Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố con người Yên Bái trong giai đoạn mới - là sự chuẩn bị tích cực và chủ động nhất nguồn nhân lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Bảo tồn bản sắc văn hóa tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng
Những năm gần đây, Yên Bái được biết đến là điểm du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, hoang sơ cùng nét văn hóa bản địa độc đáo. Phát huy tiềm năng lợi thế đó, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng, giới thiệu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa các dân tộc để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Thông qua hoạt động du lịch đã góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái đến bạn bè quốc tế. Mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh đều chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của mình.
Đơn cử như tại thị xã Nghĩa Lộ, những năm qua, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển những điệu xòe Thái, thị xã Nghĩa Lộ đã mở các lớp truyền dạy thông qua mạng lưới bảo tồn, các nghệ nhân, những người am hiểu về xòe Thái.
Màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái tại buổi lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 9/2022 |
Thị xã cũng thành lập các đội văn nghệ nòng cốt, các đội văn nghệ dân gian để duy trì hoạt động xòe Thái trong cộng đồng, tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch homestay ở các bản văn hóa, những lễ hội của địa phương, sự kiện văn hóa truyền thống tầm cỡ như: Lễ hội Xên đông, Rằm tháng Giêng, lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò…. phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt, phòng Giáo dục thị xã Nghĩa Lộ đã đưa nghệ thuật xòe Thái vào một loạt các hoạt động trong trường học. Cụ thể: 100% các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS tổ chức múa xòe vào giờ giải lao giữa giờ; Đối với các trường có đông người dân tộc thái, các nhà trường đã đưa nghệ thuật xòe Thái vào phát triển xây dựng trường học học thân thiện, trường học hạnh phúc, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm…
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Sơn cho biết: "Mỗi một lớp học đều có góc học cộng đồng để trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương do chính các em học sinh sáng tạo nên. Mô hình này giúp các em học sinh hiểu hơn về văn hoá của đồng bào mình, từ đó gìn giữ và bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu đó”.
Với huyện vùng cao Mù Cang Chải, cùng với văn hóa vật thể như: Trang phục truyền thống của các dân tộc Mông, Thái; Khèn Mông, các loại sáo, nhị, đàn môi, khèn lá… thì văn hóa phi vật thể ở huyện vùng cao Mù Cang Chải cũng rất đa dạng với các điệu múa khèn Mông, làn điệu dân ca Mông, tiếng đàn môi; Lễ hội Gầu tào, hội chọi dê, các nghi thức lễ cúng cơm mới, lễ cưới người Mông, văn hóa ẩm thực… đang được bảo tồn nguyên bản, hàng năm thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến khám phá và trải nghiệm.
Nhờ quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch nên bức tranh du lịch của tỉnh Yên Bái ngày càng có thêm nhiều điểm sáng.
Có thể thấy rằng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc chính là yếu tố quan trọng để tài nguyên văn hóa của Yên Bái sẽ được khai thác đúng hướng và hiệu quả. Qua đó, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà còn lan tỏa, quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất Yên Bái tới bạn bè trong nước và quốc tế.