Bảo vệ giới trẻ khỏi tác động của quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá
Thuốc lá không chỉ gây hại với người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Ảnh: Sam Ruttyn
Bài liên quan
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Việt Nam sẽ xem xét cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Philippines là nước tiếp theo cấm thuốc lá điện tử
Mỹ: Số ca tử vong vì thuốc lá điện tử không ngừng tăng nhanh và trẻ hóa
Thuốc lá điện tử "tấn công" giới trẻ
Hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm vì thuốc lá
Theo kết quả nghiên cứu của Tổng hội y sĩ Mỹ, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hợp chất hóa học; Trong đó có 250 hóa chất độc hại và ít nhất 69 loại hóa chất là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, đứng đầu là ung thư phổi.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 10 lần so với người không hút, là nguyên nhân gây ra hơn 2/3 số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như: Xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc.
Nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch thậm chí nhồi máu cơ tim cấp tăng ngay cả khi chỉ hút với số lượng rất ít dưới 5 điếu thuốc mỗi ngày. Dù chỉ hút một điếu thuốc mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên 50% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 25% so với những người không hút thuốc.
Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu dẫn đến dương vật gây liệt dương.
Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; Tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; Giảm sự phát triển chức năng phổi; Tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm và hơn 1 triệu ca tử vong vì hút thuốc thụ động trên toàn thế giới.
Thuốc lá điện tử, mối nguy mới
Theo dữ liệu năm 2015 của WHO, 17% thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 24 hút thuốc trên toàn thế giới. Ở khu vực Châu Âu, 11,5% bé gái và 13,8% bé trai trong độ tuổi từ 13 đến 15 có sử dụng thuốc lá. Theo các nghiên cứu người bắt đầu hút thuốc trước tuổi 20 không chỉ dễ mắc nghiện mà còn có thể bị suy giảm khả năng kiểm soát việc hút thuốc sau này.
WHO khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức (Ảnh: Shutterstock) |
Những năm qua với nỗ lực của cả cộng đồng, việc hút thuốc lá đã giảm dần nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương này; Đặc biệt, những năm gần đây có sự xuất hiện thuốc lá điện tử được quảng cáo là sản phẩm thay thế, ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường.
Các hãng sản xuất còn tài trợ cho người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm tới thanh niên, đưa ra thông điệp hút thuốc lá là sự tự do lựa chọn cá nhân…
Nhiều bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh.
Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ, vì đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây sinh non và thai chết lưu.
Đối với thanh thiếu niên, những thay đổi do nicotine gây ra đối với hệ thần kinh trong não khiến người dùng dễ bị nghiện hơn, vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Với chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bới các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe, từ đó xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.
Theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc.
Khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá.
Theo Bộ Y tế, sau nhiều năm phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam đã giảm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt trong giới trẻ, ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên...