Bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng đánh giá tác động đầy đủ của thay đổi dự kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung chính sách trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ đã phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát và dự kiến chỉnh lý, làm rõ khái niệm kinh doanh bất động sản và phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Thương mại, Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự... để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn.
Tại cuộc họp, lãnh đạo, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an… đã thảo luận về kỹ thuật lập pháp, làm rõ nội hàm một số vấn đề có ý kiến khác nhau, như: Điều kiện đối với cá nhân khi kinh doanh bất động sản; Quy định đặt cọc trong mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; Bảo lãnh trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai; Xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Thực hiện giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản; Điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản nảy sinh nhiều vấn đề, đặt ra yêu cầu phải bảo vệ lợi ích của các bên có liên quan, nhất là những rủi ro từ "khoảng trống pháp luật" đối với các loại hình bất động sản mới xuất hiện.
Các ý kiến trao đổi đã bám sát thực tiễn trong điều chỉnh mối quan hệ liên quan đến kinh doanh bất động sản gắn với tài sản, đất đai hiện hữu, các công trình nghỉ dưỡng, du lịch, văn phòng, khu công nghiệp…
Các đại biểu thảo luận, làm rõ nội hàm một số vấn đề có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Cơ quan soạn thảo phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tháo gỡ, giải quyết được các vướng mắc, khó khăn, không để khoảng trống pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bất động sản là một luật khó, phức tạp, vì vậy, phải có sự tham gia của các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp, các địa phương, đại diện người mua… để thảo luận kỹ lưỡng, thẳng thắn, tập trung vào những mục tiêu, yêu cầu đặt ra, đáp ứng cho được đòi hỏi thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
Phó Thó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đánh giá tác động đầy đủ của thay đổi dự kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung chính sách trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.
Đối với những điều kiện, chính sách đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cần quy định chặt chẽ hơn so với luật chuyên ngành, Bộ Xây dựng phải có phương án cụ thể đưa vào trong luật, có đánh giá tác động, xin ý kiến của thành viên Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản phải bằng công cụ chính sách, chứ không thể dùng biện pháp hành chính - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định việc luật hoá các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản; mối quan hệ và tính thống nhất với các luật chuyên ngành.
Hiệp hội, các doanh nghiệp bất động sản, tổ chức cá nhân cần chủ động tham gia nghiên cứu, đóng góp vào từng điều, khoản cụ thể trên cơ sở hoạt động, tác động thực tế.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Việc xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản bằng công cụ chính sách, chứ không thể dùng biện pháp hành chính; Đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phòng tránh rủi ro cho các bên liên quan; Bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường để người dân được tiếp cận thuận lợi, đồng thời vẫn giữ được bí mật, thông tin hoạt động.