Bên mâm cơm đoàn viên, yêu thương thêm đong đầy
Mâm cơm đoàn viên ngày Tết Cười ngất với hội “gái đảm” khoe tài luộc gà trong “Ghét bếp, không nghiện nhà” |
Trân trọng những điều giản dị
“Chỉ cần được ăn cơm mẹ nấu là thấy cả thế giới dịu lại”, đó là tâm sự của Nguyễn Đức Minh (22 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định), sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Minh kể rằng mỗi lần nghỉ lễ, dù chỉ vài ngày, cậu cũng cố gắng bắt xe sớm nhất để về nhà. Bữa cơm tối đầu tiên trở về luôn là khoảnh khắc Minh mong đợi nhất, khi cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm, nói đủ chuyện từ trường lớp, công việc cho đến các món ăn mẹ nấu. “Không khí ấy rất khác, không ai vội, không tiếng chuông điện thoại, không bài vở, họp hành, chỉ có tiếng nói cười và mùi thơm của món canh cá rô đồng”, Minh xúc động chia sẻ.
Theo một khảo sát nhỏ, hơn 80% người trẻ được hỏi đều cho biết họ mong muốn về quê hoặc sum họp với gia đình trong các kỳ nghỉ lễ, trong đó “ăn cơm cùng người thân” là điều được mong đợi nhất. Bữa cơm không chỉ là nhu cầu vật chất mà còn là dịp kết nối cảm xúc, hàn gắn những khoảng cách do bận rộn hoặc xa cách địa lý tạo nên.
![]() |
Bạn trẻ khoe bữa ăn tự tay làm cho bố mẹ thưởng thức trong kỳ nghỉ lễ |
Không ít người từng thờ ơ với bữa cơm gia đình, cho rằng đó là điều “đương nhiên” và không mấy quan trọng thế nhưng chính khi sống xa nhà, tự lập nơi thành thị, nếm trải những bữa ăn vội vàng giữa những bộn bề lo toan, người trẻ mới thực sự hiểu hết giá trị của một bữa cơm đủ đầy và ấm cúng.
Lê Thị Phương Linh (26 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội) chia sẻ: “Cứ đến dịp nghỉ lễ là mình lại thấy thèm cơm nhà hoặc ngồi quây quần bên gia đình để cùng nhau ăn uống. Về quê, mình thường tự vào bếp nấu bún riêu cua, thịt kho trứng… rồi gọi bố mẹ, em trai về ăn cùng. Chỉ vậy thôi mà cảm giác như tuổi thơ ùa về”.
Không chỉ trân trọng, nhiều bạn trẻ còn chủ động “góp tay” vào căn bếp, điều mà trước kia họ ít để ý đến. Những bức ảnh trên mạng xã hội về cảnh các bạn trẻ đi chợ, vào bếp, trang trí mâm cơm gia đình trong kỳ nghỉ lễ không chỉ mang tính “check-in” mà còn cho thấy sự thay đổi trong nhận thức: Quý trọng truyền thống, yêu thương gia đình bắt đầu từ những điều gần gũi nhất.
![]() |
Những người thân cùng nhau sum vầy trong kỳ nghỉ lễ thêm ấm áp tình yêu thương |
Nền tảng của gắn kết, yêu thương
Theo các chuyên gia xã hội học, bữa cơm gia đình không đơn thuần là sinh hoạt ăn uống, mà còn là một “thiết chế văn hóa” trong đời sống người Việt. Đặc biệt với thế hệ trẻ, những người dễ bị cuốn vào thế giới số và lối sống cá nhân, thì việc quay về và duy trì thói quen ăn cơm cùng gia đình chính là cách để giữ gìn nền nếp, kết nối giá trị truyền thống và vun đắp tình thân.
Bà Nguyễn Thị Hải (70 tuổi, ở tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Khi người trẻ lựa chọn trở về với gia đình trong dịp lễ, đó không chỉ là sự nghỉ ngơi mà còn là sự trở về với cội nguồn. Bữa cơm là nơi cha mẹ hiểu con cái hơn, con cái học cách lắng nghe và sẻ chia. Giá trị của nó không thể đo đếm bằng vật chất”.
![]() |
Những bữa ăn chung, không điện thoại, không vội vàng là điều rất cần để các thành viên trong gia đình kết nối với nhau |
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn do khác biệt về tư duy, công nghệ và lối sống, thì một bữa ăn chung, không điện thoại, không vội vàng là điều rất cần để các thành viên trong gia đình thực sự kết nối với nhau bằng trái tim.
Dù vậy, không ít người trẻ vẫn phải làm việc xuyên lễ, không thể về nhà vì điều kiện xa xôi hoặc công việc đặc thù. Đó là thực tế dễ hiểu, nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có đang quá dễ bỏ qua những dịp quý giá để ở bên người thân? Lời nhắn mà nhiều bạn trẻ gửi gắm trên mạng dịp nghỉ lễ là: “Hãy tranh thủ từng cơ hội để trở về, để ăn một bữa cơm cùng người thân, bởi không ai biết lần tới sẽ là khi nào”.
Bữa cơm gia đình, nơi bắt đầu và cũng là nơi trở về của tình yêu thương. Trong guồng quay hiện đại, người trẻ có thể đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều điều mới lạ nhưng đôi khi, thứ quý giá nhất lại là một mâm cơm giản dị có tiếng cười của bố mẹ, ánh mắt yêu thương của người thân, và cảm giác bình yên đến lạ.
Dịp nghỉ lễ, chúng ta hãy trở về nhà nếu có thể. Đơn giản là để các thành viên trong gia đình được ngồi bên nhau, gắp cho nhau miếng ăn và nói những câu chuyện không cần vội.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tái hiện Đại thắng mùa Xuân năm 1975 bằng công nghệ thực tế ảo

Thanh niên Thủ đô tiên phong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Người trẻ nhìn về lịch sử bằng lăng kính số

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”

Hồi ức "thời hoa lửa" và lời hứa thế hệ trẻ

Nữ cán bộ Đoàn 9X tài năng phát biểu truyền cảm hứng

Tạo niềm tin ở Nhân dân bằng hành động

Nửa thế kỷ tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh sát cánh cùng dân tộc

Gen Z và hành trình tiếp nối ngọn lửa cách mạng
