Bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Những con số báo động
Ảnh minh hoạ
Không thể coi nhẹ
Bác sĩ Melanie Taylor, tác giả chính của báo cáo và là nhà dịch tễ học thuộc khoa nghiên cứu và sức khỏe sinh sản của WHO cho biết: “Kết quả của báo cáo cho thấy mọi người đang mạo hiểm với chính sức khỏe của mình”. Bà cũng cho biết, có hơn 376 triệu trường hợp nhiễm bệnh mới hàng năm. Đây là số ca được chẩn đoán chứ không phải số bệnh nhân, bởi một người có thể cùng lúc mắc các bệnh khác nhau hoặc tái phát nhiều lần.
Các số liệu trong báo cáo được thu thập trên toàn thế giới đối với nam và nữ trong độ tuổi từ 15 - 49, cho thấy năm 2016 có khoảng 127 triệu trường hợp nhiễm chlamydia mới, 156 triệu ca nhiễm trichomonas, 87 triệu trường hợp mắc bệnh lậu và 6,3 triệu trường hợp mắc bệnh giang mai. Điều đó cho thấy “không có sự suy giảm đáng kể” từ dữ liệu được công bố cuối cùng của WHO từ năm 2012. Nó cũng một lần nữa chứng minh các bệnh lây truyền qua đường tình dục này là gánh nặng toàn cầu cần phải được chú ý.
Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh là do quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn. Một số khác do truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai và sinh nở, trong đó đáng chú ý như chlamydia, lậu và giang mai. Đặc biệt, bệnh giang mai cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu người bị nhiễm bệnh. Nếu không điều trị, các bệnh lây qua đường tình dục sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vô sinh ở cả nam và nữ, thai chết lưu, mang thai ngoài tử cung và tăng nguy cơ nhiễm HIV. Riêng bệnh giang mai hàng năm gây ra hơn 200.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh và thai chết lưu.
Tuy có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh nhưng hiện nay tình trạng thiếu thuốc và nguy cơ kháng kháng sinh khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Đối với bệnh lậu thì đã có những ca siêu khuẩn lậu gần như không thể điều trị được nữa. Bên cạnh đó, bệnh lây qua đường tình dục ít biểu hiện ra ngoài khiến người mắc không biết mình bị bệnh, dễ truyền cho đối tác hoặc từ mẹ sang con. Mặt khác, bệnh lây qua đường tình dục thường gắn liền với kỳ thị và xấu hổ. Vì vậy bác sĩ Melanie Taylor gọi đây là “dịch bệnh ẩn, thầm lặng, kéo dài và vô cùng nguy hiểm”.
Theo bác sĩ Teodora Wi, làm việc tại khoa Nghiên cứu và Chăm sóc sức khỏe sinh sản của WHO: “Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục xuất hiện ở khắp mọi nơi và phổ biến hơn chúng ta biết. Tuy nhiên, nó lại không nhận được sự quan tâm đúng mức”. Vì vậy, ông đề nghị mọi ngành, lĩnh vực cùng nhau chống lại đại dịch này. Ví dụ, phụ huynh và giáo viên được khuyến khích giáo dục giới tính cho học sinh. Các nhà hoạch định chính sách thì hỗ trợ dịch vụ khám chữa bệnh, còn các nhà khoa học nghiên cứu hướng tới việc phát triển các cách phòng, chống tốt hơn để chẩn đoán, sàng lọc, điều trị bệnh.
Báo cáo WHO mong muốn những con số này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước để tập trung hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ảnh hưởng của lối sống buông thả
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hàng năm Việt Nam có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 0,19% (mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV). Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30 - 40%, nếu không có can thiệp thì ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV lây từ mẹ. Về dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con, theo báo cáo của các bệnh viện, tình hình mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.
Kết quả nhiều khảo sát cũng cho thấy thế hệ thanh thiếu niên hiện nay ngày càng có QHTD sớm. Nếu như 5 năm trước, tuổi QHTD lần đầu ở nam giới là 20, nữ là 19,4 thì nay độ tuổi này đã giảm còn 18,2 ở nam và 18 ở nữ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự tồn tại của QHTD trước hôn nhân trong nam, nữ chưa lập gia đình ở nhóm tuổi 14 - 17 là 42% nam và 37% nữ, con số tương ứng ở nhóm tuổi 22 - 25 là 57% nam và 52% nữ.
QHTD quá sớm cộng với việc thiếu kiến thức cần thiết về giới tính, tình dục cũng như về an toàn sức khỏe sinh sản là nguyên nhân dẫn tới hậu quả tình trạng nạo phá thai gia tăng, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, tình trạng vô sinh...
Thực trạng nêu trên là hồi chuông báo động về xu hướng sống lệch chuẩn, buông thả ở một bộ phận giới trẻ hiện nay. Nó sẽ gây ra nỗi đau cho gia đình và để lại những hậu quả nặng nề cho tương lai của chính các bạn trẻ. Chỉ có thay đổi về nhận thức và trang bị tốt kỹ năng sống mới dẫn đến những hành động có trách nhiệm cho bản thân và toàn xã hội. Điều đó chỉ có được khi thế hệ trẻ được quan tâm giáo dục đầy đủ từ nhà trường, gia đình và toàn thể xã hội.
Bài liên quan
Mặt trái của YouTube: Lợi nhuận và giá trị đạo đức
Kháng thuốc kháng sinh có thể giết chết 10 triệu người mỗi năm
Ngày Môi trường thế giới năm 2019: Chung tay đẩy lùi ô nhiễm không khí
Tại Mỹ, có một thị trấn “mang tên” ung thư