BHYT: Bạn đồng hành của học sinh, sinh viên trong lúc ốm đau, bệnh tật
“Phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo
Vừa phải trải qua một đợt điều trị ung thư máu dài ngày ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, gương mặt của cô bé C.T.H (19 tuổi ở huyện Thạch Thất) có phần hốc hác, thân hình gầy gò nhưng sâu trong đôi mắt em ánh lên niềm vui khôn xiết.
C.T.H chia sẻ: “Năm ngoái, khi đang học lớp 12, em thấy sức khỏe bị giảm sút trầm trọng. Sau khi đi khám tổng thể, em và gia đình bàng hoàng khi nhận được tin em bị ung thư máu. Tương lai tươi sáng bỗng dưng sụp đổ trước mắt, càng tuyệt vọng hơn khi em biết chi phí điều trị rất lớn mà gia đình lại hoàn cảnh. Bố mẹ em không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh, nhà có 5 chị em, dưới em còn 1 em lớp 8 đang tuổi ăn học, nên khi phát hiện bị bệnh em và gia đình rất lo lắng và hoang mang.
Chạy vạy đi vay tiền khắp nơi, dù khó khăn nhưng gia đình cũng quyết tâm điều trị bệnh cho em. May mắn qua hai lần cấy tế bào gốc, em đã đáp ứng được với phác đồ điều trị và hiện đã được ra viện, hàng tháng chỉ đến viện khám và lấy thuốc. May mắn hơn nữa là nhờ tham gia BHYT hộ gia đình, em được Quỹ BHYT thanh toán tiền chữa bệnh 1 tỷ 155 triệu đồng. Em là bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn Hà Nội”.
“Nếu không có Quỹ BHYT, thì gia đình tôi không thể trụ nổi. Quỹ BHYT đã tái sinh con tôi một lần nữa. Hiện nay, gia đình vẫn còn phải đi vay nợ, nhưng tôi hi vọng khi sức khỏe của con ổn định, vợ chồng tôi có thể đi làm, kiếm tiền để trả nợ”, mẹ em C.T.H chia sẻ.
Các bác sĩ thăm khám cho học sinh |
Cũng là một thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, mới 21 tuổi, em V.M.L hiện đang là sinh viên tại một trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội phát hiện bệnh suy tủy vào năm 2021 và phải cấy ghép tủy tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất đã 12 năm, mẹ phải bươn chải với đủ nghề để kiếm sống nuôi 3 con ăn học. V.M.L là con út trong gia đình, với hi vọng học xong ra trường đi làm kiếm tiền để phụ giúp mẹ nuôi các em thế nhưng ước mơ chưa được thực hiện thì L. phát hiện bị suy tủy.
Gia đình vốn đã khó khăn nay còn bần cùng hơn. Mẹ L. đi phụ nhà hàng, lương tháng 3 triệu đồng, khóc rưng rức khi biết tin con bị bệnh. “Khi biết tin con bị bệnh, tôi đã rất sốc. Cũng may, khi đi học, con tôi có tham gia đóng BHYT nên được Quỹ BHYT chi trả cho 80% chi phí điều trị, nhờ đó gia đình bớt khó khăn đi rất nhiều”, mẹ của L. cho biết.
Theo thống kê, tổng số tiền Quỹ BHYT chi trả cho quá trình điều trị những tháng đầu năm 2022 của em V.M.L là trên 786 triệu đồng. Hiện nay L đã được ra viện, đang hồi phục sức khỏe tại gia đình. “Dù còn khó khăn nhưng gia đình tôi còn may mắn hơn rất nhiều người vì L. đáp ứng với thuốc điều trị, đang phục hồi tốt. Tấm thẻ BHYT chính là “phao cứu sinh” của con tôi và gia đình tôi”, mẹ của L. xúc động nói.
Động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững
Hiện nay, việc thực hiện chính sách BHYT cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ là học sinh sinh viên đã được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và tạo ra nền tảng quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. Đảng, Nhà nước luôn xác định, việc chăm lo sức khỏe Nhân dân là trách nhiệm, vì vậy, bên cạnh việc quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật BHYT 2014 cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện.
BHYT luôn là người bạn đồng hành của học sinh sinh viên trong lúc ốm đau, bệnh tật |
Tính đến hết năm học 2020 - 2021, tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT toàn quốc đã đạt 95,4%, tăng 2% so với năm học 2019 - 2020. Đây một kết quả rất tích cực cho thấy sự thay đổi nhận trong nhận thức về tham gia BHYT của học sinh sinh viên, các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục.
Qua thống kê, tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh sinh viên đang phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ hơn 92,5%) thì đến nay, cả nước đã có trên 19 triệu học sinh sinh viên tham gia (đạt tỷ lệ hơn 96%), trong đó trên 12,4 triệu học sinh sinh viên tham gia BHYT tại nhà trường và trên 4,6 triệu học sinh sinh viên tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh sinh viên chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi, tính nhân văn của chính sách BHYT học sinh sinh viên nên chưa tham gia BHYT (chủ yếu là nhóm học sinh sinh viên từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề). Điều này khiến các em bị thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT.
Mặt khác, nếu không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao, không có thẻ BHYT, gia đình của các em sẽ đối mặt với những khoản chi phí khám chữa bệnh lớn, ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình cũng như quá trình khám chữa bệnh của các em.