Bí kíp tăng doanh thu hiệu quả từ chiến lược trải nghiệm khách hàng dành cho các cửa hàng bán lẻ
Thực trạng trong việc áp dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì trong 11 tháng đầu năm 2022, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ghi nhận mức tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; Qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Góp phần không nhỏ vào sự dịch chuyển này đến từ việc các ngân hàng nắm bắt xu hướng, tích cực triển khai các dịch vụ, công nghệ hiện đại, với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Tuy nhiên, dù có sự bùng nổ của các giải pháp TTKDTM, các hình thức thanh toán mới (QR code, sinh trắc học…) nhưng lại thiếu đi sự đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ… tạo rào cản cho việc triển khai trên diện rộng.
Lấy ví dụ, việc triển khai QR code tại chuỗi các cửa hàng khá rời rạc. Mặc dù dòng tiền thanh toán được thực hiện qua tính năng chuyển tiền nhanh với QR code trên ứng dụng Mobile banking của ngân hàng nhưng tài khoản nhận tiền lại là tài khoản của chủ cửa hàng.
Các cửa hàng thường có thói quen chụp ảnh lại giao dịch để xác minh quá trình thanh toán. Điều này khá bất tiện và thiếu chuyên nghiệp |
Nhân viên bán hàng không có cách nào có thể kiểm tra được xem tiền đã được chuyển thành công hay chưa ngoài việc chụp lại giao dịch và thông báo để cho chủ shop kiểm tra. Đây là điều bất tiện của không ít cửa hàng khi mà họ không thể để nhiều nhân viên cùng quản lý tài khoản trong khi bản thân chủ shop không thể lúc nào cũng thường trực để kiểm tra biến động số dư.
Trong một ví dụ khác, khi các cửa hàng được vận hành theo chuỗi, vấn đề nảy sinh ở đây là làm thế nào có thể tách riêng được phần doanh thu từ các giao dịch cho từng cửa hàng để tiện cho việc quản lý, ghi chép? Cách làm truyền thống mà các chủ cửa hàng thường hay áp dụng là yêu cầu khách hàng nhập thông tin kèm mã cửa hàng vào nội dung chuyển tiền. Dù không mất quá nhiều thời gian cho những việc này nhưng vô hình chung nó đã mang đến những trải nghiệm về sự thiếu chuyên nghiệp, gây tác động tiêu cực đến hình ảnh của cửa hàng cũng như đi ngược lại với định hướng của các giải pháp TTKDTM hiện nay.
Xu hướng tiêu dùng và giải pháp gia tăng trải nghiệm khách hàng cho các cửa hàng bán lẻ
Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu theo xếp hạng của hãng nghiên cứu thị trường A.T.Kearney, sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Không phủ nhận rằng trong thời kỳ “đại tái thiết”, các chủ cửa hàng, đặc biệt biệt là các shop nhỏ còn vô vàn quyết sách phải nâng lên đặt xuống; Kết hợp với giới hạn về công nghệ đã khiến cho trải nghiệm khách hàng chưa phải là yếu tố quá ưu tiên đối với họ. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt, các thương hiệu mới liên tục mọc lên, để cho khách hàng lý do tương tác và nhớ về thương hiệu, dọc theo hành trình ra quyết định của khách hàng, các chủ cửa hàng cần phải tạo ra những điểm chạm xúc cảm nhất định.
Phần đông các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ hiện nay đang vướng phải nhiều vấn đề khác nhau từ cả quy trình thanh toán, quản lý hàng hóa và đặc biệt là quản lý tài chính. Một cửa hàng đã khó quản lý tài chính, khi mở rộng kinh doanh theo chuỗi thì công việc này càng khó khăn hơn rất nhiều lần. Đa số doanh nghiệp vẫn đang sử dụng các phương pháp thủ công và hệ luỵ là điều này sẽ không mang lại hiệu quả cao, dễ xảy ra sai sót, qua đó tác động trực tiếp đến trải nghiệm khách hàng.
Về phía khách hàng, họ sẽ cảm thấy vui khi có những trải nghiệm được cá nhân hóa. Trong đó công nghệ vẫn là yếu tố giúp doanh nghiệp kéo gần khoảng cách và nâng cao trải nghiệm mua hàng của khách hàng. Thị trường cần một giải pháp toàn diện, được xây dựng trên quy trình hoạt động vốn có nhưng nó sẽ được thay thế dần bởi các giải pháp tài chính tối ưu, mang đến trải nghiệm nhất quán cho khách hàng.
Một số giải pháp hiện nay giúp tối ưu quá trình quản lý, vận hành cho các chủ cửa hàng |
Trên thị trường cũng đã có sự xuất hiện của một số giải pháp chuyên biệt, mặc dù vẫn chưa thực sự toàn diện nhưng phần nào giúp tìm lời giải cho bài toán đầy hóc búa này. Lấy ví dụ, một số giải pháp hỗ trợ chủ cửa hàng số hoá quy trình hoạt động, vận hành lên nền tảng số. Các luồng giao dịch được thực hiện qua QR code đều được ghi lại tuần tự, đưa đến sự minh bạch và dễ dàng quản lý. Đặc biệt, đối với các cửa hàng có nhiều chi nhánh được phân bổ rộng khắp, các giải pháp này đóng vai trò như một trợ lý toàn diện, vừa giúp chủ shop tổng hợp đơn hàng, giám sát hoạt động kinh doanh của từng chi nhánh đồng thời cũng vừa giúp theo dõi kiểm soát dòng tiền từ xa.
Thú vị hơn, giờ đây, thay vì phải yêu cầu khách hàng chụp lại màn hình giao dịch như cách làm truyền thống, một số giải pháp hỗ trợ các chủ cửa hàng có thể dễ dàng tạo nhóm, phân quyền để chia sẻ biến động số dư với nhân viên trong cùng hệ thống thông qua các tài khoản ngân hàng được thiết lập dưới định dạng nickname.
Lan Hương, chủ một shop quần áo thời trang tại Cầu Giấy cho biết: “Việc tích hợp các giải pháp như vậy vào hoạt động kinh doanh của cửa hàng mang đến nhiều tiện lợi hơn cho cả mình, nhân viên cũng như khách hàng. Các quy trình vận hành được tối ưu, một kênh giao tiếp riêng và hiệu quả giữa chủ shop và nhân viên để phục vụ cho việc cùng quản lý doanh số cửa hàng nhưng vẫn có những mức độ phân quyền nhất định, từ đó giúp chủ shop có thêm thời gian để tập trung vào việc tư vấn đề nâng cao trải nghiệm khách hàng hơn nữa".
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ có thêm khách hàng trung thành cũng như thu hút khách hàng tiềm năng. Những xu hướng công nghệ mới buộc các nhà bán lẻ phải đầu tư nhiều hơn, tinh tế và sáng tạo hơn trong tương lai. Bằng việc cập nhật những xu hướng của thị trường và mong muốn đưa đến các giải pháp tối ưu cho các chủ cửa hàng, tiện ích MyShop được tích hợp trên App KienlongBank Plus hứa hẹn sẽ là một trong những giải pháp toàn diện, thay đổi hoàn toàn thói quen cũng như hành vi trong cách tiếp cận của doanh nghiệp và cửa hàng bán lẻ hiện nay.