Bia Saigon là nhãn hiệu nổi tiếng, lời khẳng định giá trị của SABECO
SABECO lãi cao kỷ lục, mỗi ngày thu về gần 84 tỷ đồng nhờ bán bia SABECO nỗ lực bền bỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương |
Hồi giữa tháng 3 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với pháp nhân thương mại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung - Giám đốc Công ty.
Theo bút lục vụ án, ông Trung từng làm việc nhiều năm tại Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Sau khi nghỉ việc, tháng 5/2019, ông Trung thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam.
Ông Trung nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu BIA SAIGON VIETNAM tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và được Cục này chấp nhận đơn hợp lệ đối với kiểu dáng công nghiệp ngày 15/7, đối với nhãn hiệu ngày 12/8/2019 và đăng công báo.
Sau đó, Công ty SABECO đã nộp yêu cầu phản đối cấp văn bằng bảo hộ cho đơn nhãn hiệu BIA SAIGON VIETNAM vào ngày 5/11/2019.
Đáng nói, dù biết là SABECO đã phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu vì tương tự tới mức khó phân biệt với các nhãn hiệu đang được bảo hộ của SABECO và chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã đặt hàng cơ sở sản xuất bia BiVa (TP Bà Rịa) để sản xuất sản phẩm bia lon mang thương hiệu "BIA SAIGON VIETNAM" để bán ra thị trường với quy mô thương mại.
Sản phẩm Bia Saigon (bên trái) của SABECO là một thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam. |
Quá trình điều tra, để xác định hành vi phạm tội của 2 bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) giám định một số nội dung.
Trong đó, kết luận giám định sở hữu công nghiệp ngày 16/9/2022, nêu nhãn hiệu "Bia Saigon" và một số dấu hiệu trên lon bia, vỏ bia, và trên thùng carton đựng Bia Saigon của SABECO đã được bảo hộ và đủ điều kiện được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Vì vậy, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo giấy chứng nhận và được coi là nổi tiếng của 2 bị cáo đã phạm vào tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo điều 226 Bộ luật Hình sự.
Trong phiên tòa xét xử vừa qua, vấn đề Bia Saigon có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không tiếp tục được HĐXX và các luật sư tập trung làm rõ.
Trả lời câu hỏi của các luật sư, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập thông qua quá trình sử dụng thực tế, được thị trường và người tiêu dùng biết đến rộng rãi, mà không cần đăng ký.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, tiêu chí để xác định nhãn hiệu nổi tiếng đã được quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn. Quy định về việc ghi nhận vào danh sách nhãn hiệu nổi tiếng nêu trên là để Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận các thông tin về nhãn hiệu nổi tiếng đã được công nhận trong thực tế.
Sản phẩm Bia Saigon của SABECO đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam. |
Trước đó, trong văn bản trả lời tòa, Cục Sở hữu trí tuệ xác định nhãn hiệu Bia Saigon đủ điều kiện công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, do quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập không qua thủ tục đăng ký nên không có thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng.
Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ cũng chưa có có danh sách ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, vị này vẫn khẳng định Bia Saigon là nhãn hiệu nổi tiếng theo các tiêu chí luật định.
Tương tự, đại diện của SABECO và luật sư bảo vệ của doanh nghiệp này cho biết, công ty đã cung cấp hồ sơ tài liệu chi tiết chứng minh nhãn hiệu Bia Saigon của SABECO là nổi tiếng theo quy định mà không cần phải qua một thủ tục đăng ký hay công nhận nào.
Luật sư nhận định quy định của thông tư về “ghi nhận” nhãn hiệu nổi tiếng nhằm giúp thuận tiện cho việc tham khảo thông tin trong quá trình thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà không phải là căn cứ để xác lập nhãn hiệu nổi tiếng vì luật đã quy định rõ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký (khoản 2, Điều 6, Luật SHTT).
Thực tế, thương hiệu Bia Saigon của SABECO đã in đậm trong tâm trí của hàng triệu người tiêu dùng qua nhiều thế hệ, trở thành một đặc sản tinh thần trong văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Bia Saigon nhiều năm được bình chọn là Thương hiệu quốc gia, cùng các giải thưởng từ các tổ chức uy tín quốc tế: Huy chương vàng Giải thưởng Bia Quốc tế (IBA) 2019; giải Vàng, Bạc, Đồng tại Cúp Bia quốc tế 2019 (IBC); giải Vàng, Bạc tại Giải thưởng Bia quốc tế tại Úc 2020 (AIBA); huy chương Vàng, Bạc tại giải thưởng Monde Selection 2021.
Quay trở lại với vụ án trên, sau nhiều ngày nghị án, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nhận định “Bia Saigon” đủ điều kiện là nhãn hiệu nổi tiếng và tuyên phạt các bị cáo hàng tỷ đồng về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".
Qua vụ án này, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp mạnh để xử lý những trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu. Bởi nếu sự việc bị can Lê Đình Trung và Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam sản xuất "Bia Saigon" xâm phạm nhãn hiệu không bị phát hiện và xử lý thì sẽ có hàng chục nghìn thùng bia được đưa ra thị trường và chắc chắn sẽ có rất nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả mạo này vì “mất cảnh giác”.
Mặt khác, nếu người tiêu dùng uống Bia Saigon giả mạo vài lần, hoàn toàn có thể nhầm tưởng và cho rằng Bia Saigon "xịn" đã không còn giữ được hương vị, men bia như trước. Điều này sẽ khiến cho SABECO bị ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu, thương hiệu.
Có thể nói rằng, việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chỉ mang tính vụ việc, SABECO cũng có những động lực to lớn để theo đuổi. Đối với vụ án, chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng có thể đem lại một số lợi thế cho Bia Saigon khi chứng minh thiệt hại của chủ sở hữu.
Xa hơn thế, bản án của tòa án cũng như nhận định của Cục Sở hữu trí tuệ đều ghi nhận “Bia Saigon” là nhãn hiệu nổi tiếng chính là nguồn thông tin tham khảo vô cùng giá trị cho cơ quan chức năng trong các vụ việc tương tự liên quan tới hãng bia này.
Hơn nữa, việc thu thập chứng cứ chứng minh sự nổi tiếng lần này cũng sẽ giúp SABECO thuận lợi hơn khi sẵn có nguồn tư liệu nếu tiếp tục xảy ra tranh chấp khác trong tương lai, ít nhất là trong lĩnh vực nước giải khát.
Cuối cùng, SABECO có thể dùng sự ghi nhận trong bản án như một lời răn đe đanh thép đến các đối thủ có ý định lợi dụng danh tiếng của Bia Saigon.
Có thể nói, thông qua vụ kiện trên, SABECO không chỉ đơn giản đã thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình mà còn khẳng định được vị thế của một thương hiệu lâu năm trên thị trường, một giá trị vô hình khó có thể đong đếm bằng tiền bạc.