Bình ổn thị trường hàng hoá để người dân yên tâm sắm Tết
Chuẩn bị đủ nguồn hàng
Theo kế hoạch, tổng trị giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Hiện toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất hối hả và đưa đến các hệ thống phân phối. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa hàng về Hà Nội.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của thành phố Hà Nội như sau: Gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 19.500 tấn/tháng, thịt bò khoảng 5.350 tấn/tháng, thịt gà khoảng 6.500 tấn/tháng, trứng gia cầm khoảng 130 triệu quả/tháng, thủy sản khoảng 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản khoảng 5.350 tấn/tháng, rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây khoảng 56.000 tấn/tháng...
Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm; nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 20-70%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.
Theo kế hoạch, tổng trị giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023 |
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội thực hiện rà soát, thống kê lại cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó, lập danh sách 17.417 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, Central Retail đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, khi dự báo sức mua dịp Tết sẽ tăng cao.
Tương tự, để chuẩn bị cho các dịp mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, WinCommerce đã làm việc với các nhà cung cấp để thu mua sản lượng lớn từ 2 đến 3 tháng trước đó, tăng sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ: “Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20-30% so với tháng kinh doanh bình thường. Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh mứt kẹo, bánh chưng, bánh tét, giò, chả, trái cây... Đơn vị đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20% đến 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường”.
Bình ổn thị trường để người dân yên tâm sắm Tết
Để phục vụ Nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể).
Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. |
Đặc biệt, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, từ tháng 9/2023, Sở Công thương Hà Nội đã chủ động theo dõi tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, trong đó, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định.
Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình trong khoảng 7%-25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023, trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, đặc sản của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, hiện thành phố Hà Nội đã tổ chức trên 100 hoạt động, sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 5.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối; hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định. Giá thịt lợn hơi, giá rau xanh tăng nhẹ tuy nhiên nguồn cung tương đối ổn định.