Bình Thuận: Sớm giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng kéo dài
Bình Thuận: Nhiều công trình dang dở vì thiếu đất san lấp Bình Thuận: Bàn giao công trình chiếu sáng và cây xanh Bình Thuận: Nhiều dự án ven biển có nguy cơ bị sạt lở cát |
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số đơn vị chậm cung cấp thông tin, tài liệu khi có văn bản yêu cầu của Tòa án, khiến việc xét xử bị kéo dài.
Tồn tại và nguyên nhân
Theo thống kê, trong năm 2023, Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Bình Thuận đã thụ lý 12.489 vụ việc, giải quyết 9.864 vụ, đạt tỷ lệ 78,98%. Riêng về án dân sự thụ lý 10.374 vụ, đã giải quyết 8.007 vụ, đạt tỷ lệ 77,2 %, còn lại 2.367 vụ việc dân sự, trong đó có 291 vụ việc thụ lý trước ngày 31/12/2020 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Mặc dù tỷ lệ giải quyết án hành chính và án dân sự có tăng so với cùng kỳ nhưng số lượng thụ lý tăng cao nên tỷ lệ giải quyết vẫn chưa đáp ứng chỉ tiêu TAND Tối cao đề ra.
TAND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ án bị tồn đọng kéo dài, như: Do số lượng các vụ án tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, nhiều đương sự tham gia dẫn đến khó khăn trong việc xác minh, lấy lời khai thực hiện thủ tục hòa giải, thủ tục ủy thác tư pháp còn nhiều trở ngại dẫn đến việc giải quyết án mất nhiều thời gian và ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết, xét xử của Tòa án; đội ngũ công chức TAND hai cấp còn thiếu, nhất là chức danh tư pháp thẩm phán và thư ký; số lượng biên chế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng tăng…
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án, việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ còn chậm, chưa kịp thời. Một số chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính.
Để chủ động triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tòa án, ngay từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Thuận đã kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024 của TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận.
Qua đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, thiết thực nhằm làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, yêu cầu từ Nghị quyết của Quốc hội và của TAND đề ra.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị
Mặc dù những nỗ lực của ngành Tòa án tỉnh Bình Thuận trong năm vừa qua đã đạt được kết quả khả quan, nhưng theo đánh giá vẫn còn tồn tại một số hạn chế mà TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận đang gặp phải, như: Tỷ lệ giải quyết án hành chính và dân sự của TAND tỉnh và một số TAND cấp huyện không đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội và TAND Tối cao đề ra; công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa chặt chẽ; chưa có giải pháp hiệu quả để đôn đốc các cơ quan liên quan phối hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời theo yêu cầu của tòa án, dẫn đến việc giải quyết các vụ án bị kéo dài.
Một trong những vụ án được cho là chậm giải quyết do việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ còn chậm, được người dân phản ánh gần đây có thể kể đến vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai giữa bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (trú tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với bà Trần Thị Đình Hương và ông Nguyễn Văn Ánh (trú tại Bình Thuận).
Phần đất đang có tranh chấp giữa bà Hồng và các bị đơn |
Cụ thể, trong đơn khởi kiện đề ngày 3/11/2022, bà Ánh Hồng cho biết: Tháng 6/2022, bà nhận chuyển nhượng 2 thửa đất tại thôn Đá Mài 1, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận từ ông Dương Đức Đại và ông Dương Thiếu Hùng (trú tại thị xã Lagi, Bình Thuận). Trong đó, thửa thứ nhất có diện tích 360,5m², thửa thứ hai có diện tích 995m².
Hai thửa đất trên giáp ranh với đất của bà Trần Thị Đình Hương, ông Nguyễn Văn Ánh và bà Tô Thị Tấn (đã chết).
Ngày 8/7/2022, bà Hồng tiến hành đo đạc và xây hàng rào thì phát hiện phần đất của mình bị thiếu so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được cấp.
Theo kết quả kiểm tra, xác minh và đo đạc của UBND xã Tân Xuân, tổng diện tích đất của bà Hồng đang bị thiếu khoảng 550,17m². Trong đó, thửa 577, tờ bản đồ số 20 bị thiếu 87,92m²; thửa 466a tờ bản đồ số 02 bị thiếu 462,25m².
Sau khi có kết quả đo đạc thực tế, bà Hồng xác định một phần diện tích đất bị thiếu trên thuộc thửa 577 hiện đang được ông Ánh, bà Hương sử dụng; phần còn lại thuộc thửa 466a do bà Tấn sử dụng.
Tuy nhiên, quá trình hòa giải, gia đình bà Hương, ông Ánh và đại diện người thừa kế bà Tấn đều khẳng định phần diện tích đất trên thuộc quyền sử dụng của gia đình và đã được cấp GCNQSDĐ nên không đồng ý trả lại phần diện tích đất trên cho bà Hồng.
Ngày 3/11/2022, bà Hồng nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Hàm Tân và được thụ lý theo Thông báo số 201/2022/TLST-DS ngày 28/11/2022 về tranh chấp đất đai.
Sơ đồ hiện trạng khu đất bị chồng lấn |
Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Hàm Tân đã tiến hành đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ, đồng thời có văn bản yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hàm Tân cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan.
Tuy nhiên, hết thời gian xét xử mà cơ quan này vẫn chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ nên ngày 29/5/2023, TAND huyện Hàm Tân đã ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Đến ngày 20/6/2023, TAND huyện Hàm Tân mới có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án song các tài liệu, chứng cứ do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hàm Tân cung cấp vẫn chưa đủ.
Do vậy, TAND huyện Hàm Tân một lần nữa có văn bản yêu cầu cơ quan này cung cấp đầy đủ những tài liệu liên quan để có cơ sở giải quyết vụ án.
Việc chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ của các cơ quan chuyên môn không chỉ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự liên quan.
Trong khi đó, công tác phối hợp về cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ; xem xét thẩm định tại chỗ; định giá tài sản, chuyển giao tài liệu, giấy tờ trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính giữa TAND tỉnh và UBND tỉnh Bình Thuận đã được cụ thể hóa bằng Quy chế phối hợp số 2452/QCPH-UBND-TAND ngày 19/9/2018.
Ngoài ra, đối với vụ án trên, ngày 9/11/2023, UBND huyện Hàm Tân cũng đã có văn bản phản hồi bà Hồng về sự việc: Khi nhận được văn bản đề nghị phúc đáp thông tin liên quan đến diện tích đất đang tranh chấp của bà Hồng, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, phúc đáp cho tòa án để có căn cứ xét xử vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Chỉ đạo là vậy nhưng theo phản ánh của bà Hồng, đến nay vụ án vẫn chưa được xét xử.
Liên quan vụ việc, ngày 16/7, phóng viên đã liên hệ thẩm phán Lê Hữu Tình (thẩm phán phụ trách xét xử vụ án tranh chấp đất giữa bà Nguyễn Thị Ánh Hồng và các bị đơn) để xác minh.
Theo thẩm phán Lê Hữu Tình, vụ việc trên đang chờ phản hồi từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Đơn vị đã có văn bản yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hàm Tân phối hợp với các cơ quan chức năng khác để làm bản vẽ, khi có kết quả sẽ tiến hành giải quyết theo quy định.