Bình Thuận: Nhiều công trình dang dở vì thiếu đất san lấp
Đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng Bình Thuận: Mưa lớn bùn, cát tràn xuống đường |
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có mặt ở vùng đất có nhiều đơn thư kêu cứu. Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là xã Đức Tín, huyện Đức Linh và được người dân đưa đến nhà bà Phạm Thị Sáu ở tổ 6, thôn 9.
Trước mắt chúng tôi là vũng bùn lầy, đầy nước với cảnh ngôi nhà xây dang dở. Bà Phạm Thị Sáu với mái tóc xác xơ than thở: "Gia đình tôi nghèo khổ, trước kia sống trong ngôi nhà tạm bợ. Gia đình đã tích góp cả đời, đủ tiền xây một căn nhà nhỏ.
Ngày khởi công, gia đình tưởng như giấc mơ sắp thành hiện thực vậy mà ngay sau đó đã phải đối diện với khó khăn lớn: Không có đất để đổ vào móng, nâng khoảng sân trước nhà nên mới có tình trạng bùn lầy, đọng nước như thế này”.
Bà Sáu chia sẻ thêm, vì tình thế cấp bách, bà phải cho thợ đào đất trong vườn ở phía sau để làm móng nhà. “Tôi cũng không dám đào nhiều vì nhà phía trước, ao ngay phía sau thì nhà có vững chắc hay không. Giờ tôi không mong gì hơn, chỉ mong Nhà nước quan tâm giúp đỡ, có hướng giải quyết để gia đình có đất nâng khoảng sân trước nhà thì mới có thể ở được”, bà Sáu cho biết.
Công trình nhà tình thương thiếu đất để làm móng nhà |
Rời ngôi nhà còn dang dở giữa đống bùn lầy của bà Sáu, chúng tôi được dẫn đến công trình xây dựng nhà tình thương của một hộ dân gần đó. Công trình này cũng rơi vào tình trạng tương tự, phải đào lấy đất phía sau để đổ vào móng nhưng không đủ để hoàn thiện. Tiền xây ngôi nhà tình thương được chính quyền địa phương giúp khoảng 50 triệu đồng.
Làm việc tại UBND xã Đức Tín, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Trần Thế Phiệt tiếp và cho biết: “Nhu cầu đất san lấp để xây nhà ở của người dân rất lớn nhưng hiện tại trên địa bàn huyện không có mỏ đất nào. Địa phương có mỏ đất để khai thác mới giải quyết được tình hình hiện nay, gỡ nỗi khổ của nhiều hộ dân. Chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên, rất mong các cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là xã Mê Pu, huyện Đức Linh. Tại thôn 1 có ngôi nhà đang xây dang dở của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thanh. Ông Thanh buồn rầu kể: “Căn nhà của gia đình tôi phải tạm dừng thi công vì không có đất để đổ làm móng.
Ở xã này, nhiều hộ lâm vào cảnh tương tự. Chúng tôi đang kiến nghị, mong chính quyền có cách giúp đỡ để người dân có được chỗ ở an toàn giữa mùa mưa thế này”.
Công trình của ông Nguyễn Văn Thanh tạm dừng thi công vì không có đất đổ làm móng |
Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Mê Pu Mai Hoàng Hải chia sẻ: “Thôn 4 có con đường nội đồng ở tổ 6 đã xuống cấp, các hộ dân tự nguyện đóng góp 30 triệu đồng để mua đất đổ, nâng cấp đường. Việc nâng cấp con đường được chính quyền cho phép nhưng mãi chưa thực hiện được bởi không có đất san lấp”.
Chủ tịch UBND xã Mê Pu Đinh Minh Tuấn thông tin: “Nhu cầu về đất san lấp của người dân khá lớn. Nhiều hộ dân đã làm đơn hoặc điện thoại trực tiếp đến UBND xã xin san lấp nền nhà nhưng chúng tôi không giải quyết được. Các công trình xây dựng nhà ở của người dân hầu như đang phải tạm dừng chờ cấp có thẩm quyền giải quyết”.
Xã Mê Pu cũng không có nguồn cung đất san lấp để nâng cấp đường đi nội đồng tổ 6, thôn 4 |
Cuộc sống của người dân ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chủ tịch UBND thị trấn Đức Tài Nguyễn Minh Nghị cho biết: “Trên địa bàn huyện không có mỏ đất để làm vật liệu san lấp. Hiện nay, một số hộ dân đang xây nhà nhưng không có đất để đổ móng.
Ngày 5/7/2024, Đảng ủy và UBND thị trấn Đức Tài đã tổ chức đối thoại với Nhân dân khu phố 8. Hộ bà Nguyễn Thị Anh Thư than thở, xây nhà hơn 2 tháng nay nhưng không có đất đổ nền nên phải dừng thi công, trong khi mùa mưa bão đang đến”.
Tình trạng không có nguồn cung đất san lấp ở huyện Đức Linh không chỉ ảnh hưởng tới việc xây dựng nhà ở của người dân mà còn ảnh hưởng tới các công trình công cộng. Ông Cao Quốc Dương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Đức Linh, cho biết: “Hiện tại, huyện Đức Linh không có mỏ đất san lấp hoạt động. Chúng tôi đang chuyển hướng sử dụng cấp phối đá dăm loại 2 để san lấp nhưng loại này giá thành cao, chênh lệch hơn 120.000 đồng/m3, nên lại đội giá”.
Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Linh, trên địa bàn huyện có 3 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác nhưng các chủ mỏ chưa hoàn tất hồ sơ đất đai trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Chính vì thế, các mỏ chưa đủ điều kiện đi vào hoạt động.
“Cơ quan chức năng của huyện rất cương quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Trên địa bàn huyện không có nguồn cung đất san lấp là sự thật. Các cấp có thẩm quyền đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn”, lãnh đạo Huyện ủy huyện Đức Linh thông tin.
Hy vọng nguyện vọng của người dân huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, sớm được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết.