Bỏ phố về làng: Giấc mơ an nhiên giữa đời hiện đại
Yêu nếp làng, yêu Hà Nội qua từng con chữ Góp sức xây dựng những làng quê đáng sống |
Xu hướng dịch chuyển ngược dòng
Trong nhiều năm qua, làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị từng là xu hướng chủ đạo tại Việt Nam. Người trẻ đổ xô lên các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để tìm kiếm công việc, cơ hội phát triển và một cuộc sống hiện đại hơn. Tuy nhiên, gần đây, một xu hướng ngược lại đang dần hình thành. Nhiều người quyết định rời bỏ cuộc sống phố thị ồn ào, chật chội để về quê sinh sống, tìm kiếm sự bình yên và tự do.
Bạn Nguyễn Hoài An (29 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hoá) từng học tập tại Hà Nội là nhân viên văn phòng ở đây. Tuy nhiên, sau vài năm làm việc, cô gái trẻ cảm thấy kiệt sức. An quyết định nghỉ việc, về quê hương mở một cửa hàng bán đồ gia dụng. Ban đầu cũng vất vả lắm nhưng dần dần cô gái 9X học cách làm marketing online và phát triển dịch vụ. Hiện tại, An thấy hạnh phúc hơn nhiều so với cuộc sống bon chen nơi phố thị trước đây.
![]() |
Cuộc sống thanh bình ở làng quê |
“Mình đã lựa chọn đúng khi rời Thủ đô về quê hương sinh sống, khởi nghiệp. Cuộc sống ở quê thanh nhàn, không khí trong lành, lại được ở gần bố mẹ, gia đình, mình cảm thấy rất hợp với hoàn cảnh của bản thân”, Nguyễn Hoài An chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh và chị Thu Hương, từng làm việc tại công ty tư nhân ở Hà Nội với thu nhập của hai vợ chồng hơn 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, áp lực công việc, tắc đường, ô nhiễm không khí khiến họ dần cảm thấy mệt mỏi. Một lần đi du lịch ở một vùng quê ngoại thành, họ chợt nhận ra rằng, cuộc sống không nhất thiết phải quay cuồng trong nhịp sống đô thị. Sau gần một năm cân nhắc, cặp vợ chồng trẻ này quyết định nghỉ việc, bán căn hộ chung cư để về quê thuê đất trồng rau sạch.
Ban đầu, việc khởi nghiệp với nông nghiệp không hề dễ dàng. Hai vợ chồng phải học cách làm đất, chọn giống, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng nhờ kiên trì, hiện tại trang trại của họ không chỉ cung cấp rau hữu cơ cho nhiều cửa hàng thực phẩm sạch mà còn mở rộng thành một mô hình trải nghiệm nông nghiệp. Họ chia sẻ rằng, dù thu nhập không còn cao như trước nhưng cuộc sống lại nhẹ nhàng hơn, sức khỏe tốt hơn và họ có nhiều thời gian hơn cho gia đình.
“Với vợ chồng mình, việc bỏ phố về làng không chỉ là chạy trốn khỏi áp lực mà còn là một cách tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên, để làm nông nghiệp đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ về tài chính mà còn về kỹ năng và tư duy kinh doanh”, chị Thu Hương cho hay.
![]() |
Ngôi làng khang trang, không khí trong lành là nơi nhiều người trẻ chọn trở về để sinh sống, lập nghiệp |
Giảm áp lực, cân bằng cuộc sống
Cũng như vợ chồng chị Thu Hương, nhiều người nhận ra rằng, dù có thu nhập tốt nhưng họ đang đánh đổi sức khỏe, thời gian cho gia đình và chất lượng cuộc sống. Những giá trị như hạnh phúc, sức khỏe tinh thần và sự kết nối với thiên nhiên trở nên quan trọng hơn đối với họ.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và mô hình làm việc từ xa đã giúp nhiều người có thể làm việc ở bất cứ đâu mà không cần bó buộc tại văn phòng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới như nông trại hữu cơ, du lịch trải nghiệm, homestay… đã tạo ra những cơ hội kiếm tiền bền vững ở nông thôn.
![]() |
Nhiều người chọn bỏ cuộc sống đô thành về làng quê làm nông nghiệp |
Với sự phát triển của internet, nhiều người vẫn có thể duy trì công việc kinh doanh hoặc làm freelancer mà không cần sống ở thành phố. Một số người mở các cửa hàng online bán đặc sản quê hương, thủ công mỹ nghệ hoặc nhận công việc tư vấn, thiết kế từ xa.
Bạn Phạm Thanh Hương (28 tuổi, freelancer, quê ở tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Tôi làm thiết kế đồ họa nên có thể làm việc từ xa. Hai năm trước, tôi quyết định rời Hà Nội về quê, mua một mảnh đất nhỏ để trồng rau, nuôi gà. Chi phí sinh hoạt ở quê rẻ hơn, tôi không còn phải chạy đua với nhịp sống đô thị. Tuy nhiên, đôi lúc cũng thấy thiếu thốn một số dịch vụ, nhưng nhìn chung tôi không hối hận”.
Theo Thanh Hương, cuộc sống ở thành phố lớn mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy áp lực. Giá nhà đất tăng cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tắc đường, ô nhiễm môi trường và sự cạnh tranh khốc liệt trong công việc khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi. Với mức thu nhập trung bình, nhiều người trẻ như cô, dù làm việc vất vả vẫn khó có thể mua được nhà hoặc đạt được sự ổn định về tài chính.
“Xu hướng bỏ phố về làng phản ánh sự thay đổi trong tư duy sống của người trẻ hiện đại, từ chạy theo vật chất sang tìm kiếm sự cân bằng và giá trị đích thực của cuộc sống. Không phải ai cũng phù hợp với cuộc sống nông thôn nhưng với những người có sự chuẩn bị tốt và quyết tâm, đây có thể là một hành trình đầy ý nghĩa, mang lại hạnh phúc và sự tự do thực sự”, Phạm Thanh Hương bày tỏ.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Xu hướng làm việc linh hoạt trong Gen Z

Lan tỏa nghị lực sống, truyền cảm hứng từ những con người phi thường

“Tiếp sức mùa thi” ứng dụng AI để thí sinh "thi cử nhẹ nhàng"

Bí quyết vượt vũ môn và chọn đúng nghề cho tương lai

“Hội tiền bối” giúp 2K10 gỡ rối trước kỳ thi vào lớp 10

Tạm biệt tháng Tư, giới trẻ hướng về Hà Nội mùa thu lịch sử

Cơ hội, thách thức và những trăn trở thầm lặng

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”

Sức trẻ bùng nổ với hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên
