Bộ trưởng Bộ Công thương: Thiếu nguồn cung xăng dầu là hết sức phi lý
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh Bộ Công thương yêu cầu bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu dịp cuối năm |
Ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến với Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương, đơn vị về bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Theo ông Diên, thời gian gần đây, đặc biệt sau khi buộc phải tạm đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu của một số doanh nghiệp thì xuất hiện thông tin từ một số địa phương, thậm chí cả các cơ quan quản lý cho đến các doanh nghiệp cho rằng bị thiếu hụt nguồn cung.
Thông tin đưa ra việc một số doanh nghiệp vừa qua đã bị tước giấy phép nhập khẩu xăng dầu do đã vi phạm các quy định của luật hiện hành. Các doanh nghiệp này không được nhập khẩu xăng dầu nên nguồn cung bị thiếu.
Lý do khác để lý giải cho việc thiếu nguồn cung là do chiết khấu bằng không cho nên không có nguồn và người bán lẻ, người kinh doanh thì càng bán càng lỗ. Vấn đề này, ông Diên cho rằng đây là điều hết sức không bình thường.
Thiếu xăng dầu lúc này là hết sức phi lý |
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, giá xăng dầu, kể cả giá bán buôn và bán lẻ đang có xu hướng giảm do xu thế của thế giới giảm nhưng nguyên nhân chính là do Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo sử dụng các công cụ thuế và quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu giảm.
"Trong lúc giảm mà lại bảo thiếu nguồn cung. Thế giới đang cần bán, bán với giá rẻ, ở trong nước được giảm thuế nên giá cũng rẻ. Như vậy, nguồn cung của thế giới này đang dồi dào, trong nước lúc này cũng không thiếu. Vậy nhưng lại có thông tin cho rằng đang đứt gãy nguồn cung thì hết sức phi lý", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng, một số doanh nghiệp chứ chưa phải là tất cả, trong số các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu vì vi phạm các quy định của pháp luật, trong đó có quy định không có hoạt động xuất nhập trong thời gian nào đó thì sẽ bị xử lý. Hình thức thấp nhất là là cảnh cáo, phạt tiền cao hơn là tạm đình chỉ và cao hơn nữa là đình chỉ vĩnh viễn.
"Đã vi phạm thì bị xử lý là chuyện đương nhiên. Bằng chứng là chúng ta đã tạm tước giấy phép trong thời gian gần 1,5 tháng thì thị trường có vấn đề gì không. Mà tại sao trong hai ngày qua thì lại rộ lên cho rằng thiếu nguồn cung. Nếu chúng ta không phân biệt rạch ròi thông tin, không phân biệt đâu đúng, đâu sai vô hình trung chúng ta làm hỏng thị trường", Bộ trưởng Bộ Công thương nêu vấn đề.
Trước đó, ngày 25/8, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường dịp cuối năm.
Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Đồng thời, Sở Công thương các tỉnh, thành phố cũng phải giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng. Đồng thời yêu cầu các thương nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công thương đề nghị chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Bên cạnh đó, các thương nhân không được để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp; Chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.