Cà Mau đẩy mạnh trồng lúa hữu cơ để nuôi tôm sinh thái
Hướng đi mới đem lại hiệu quả tích cực
Xã Trí Lực huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 2.900 ha, trong đó có 700 ha sản xuất tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ. Những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Đơn cử, gia đình ông Trần Văn Thiệt ở xã Trí Lực, có 1,5ha đất sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Hằng năm cứ đến mùa mưa, gia đình ông lại cải tạo đất để cấy lúa. Sau nhiều năm, đất bị nhiễm mặn nặng nên khó khăn trồng vụ lúa, nuôi tôm cũng thất bát hơn.
Để tìm hướng đi mới, gia đình ông đã tham gia Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất lúa - tôm Trí Lực (HTX Trí Lực). Từ đó, ông và bà con trong HTX bắt đầu thực hiện theo quy trình trồng lúa hữu cơ để xuất khẩu. Những hộ tham gia phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất từ việc cải tạo đất đến xử lý sâu bệnh. Bà con cũng chuyển từ làm các giống lúa chất lượng thấp sang trồng giống lúa cao sản ST24 và không được sử dụng bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào.
Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ |
“Gia đình tôi đã làm 2 vụ lúa, vụ nào năng suất cao hơn trước đây khoảng 10%. Bên cạnh đó, vụ đầu được bao tiêu cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg, vụ tiếp theo là 700 đồng/kg nên lợi nhuận tăng thêm 20-30%”, ông Thiệt chia sẻ.
Từ những ngày đầu mới thành lập, HTX Trí Lực chỉ có 15 thành viên, với khoảng 50ha đất canh tác. Tuy nhiên, sau những thành công của các xã viên, người dân địa phương thấy được hiệu quả nên đã liên kết cùng thực hiện. Chỉ sau một năm, toàn HTX đã có 117ha lúa đạt chứng nhận lúa hữu cơ và khoảng 700ha lúa đạt chứng nhận lúa sạch.
Năm nay, đã có 540 hộ dân cùng với HTX thực hiện quy trình trồng lúa hữu cơ để cung cấp cho một doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường EU, Nhật Bản. Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Trí Lực, cho biết: “Trồng lúa hữu cơ không sử dụng thuốc hóa học, chỉ dùng phân vi sinh. Từ đó, không chỉ đạt năng suất cao hơn mà còn có môi trường sạch để nuôi tôm. Cũng nhờ trồng được vụ lúa mà các vụ nuôi tôm thuận lợi. Con tôm nuôi trong mô hình đạt các chứng nhận để xuất khẩu đi bất kỳ thị trường nào, từ đó giúp người dân có thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích”.
Không chỉ HTX Trí Lực ngày càng mở rộng làm lúa theo quy trình hữu cơ mà trên địa bàn huyện Thới Bình, nhiều tổ hợp tác, HTX khác cũng đã và đang thực hiện. Trên cơ sở đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và theo kế hoạch đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 5.000ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ.
Bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân
Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Hợp tác xã Trí Lực đã liên kết với Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú đăng ký tham gia ký hợp đồng và thực hiện đánh giá nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Đây là là bộ tiêu chuẩn dựa trên các nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan quản lý”.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ quy hoạch tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ |
Qua hơn 3 năm thực hiện, có 252 hộ dân với diện tích gần 565 ha sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC. Chứng nhận quốc tế ASC là giấy thông hành để con tôm Cà Mau xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng mô mình sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC đến xã Biển Bạch và Trí Phải, huyện Thới Bình với diện tích 10.000 ha đạt chứng nhận này.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), đánh giá: Đây là mô hình sản xuất bền vững, không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm đươc nhiều thị trường khó tính ưu chuộng. Ngoài ra, người dân còn kết hợp nuôi cùng lúc với nhiều loài thủy sản khác như tôm càng xanh, cua, cá… để tăng thêm lợi nhuận trên cùng diện tích.
Định hướng sản xuất trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Bạo cho biết, theo quy hoạch tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ, đến năm 2025 toàn tỉnh có 45.000 ha, đến năm 2030 giảm xuống còn 40.300 ha. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% diện tích tôm - lúa tỉnh Cà Mau đạt được các chứng nhận quốc tế (hữu cơ, ASC).