Cà Mau là môi trường đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản
Cà Mau: Lấy người dân làm trung tâm để phục vụ trong chuyển đổi số Cà Mau: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới |
Đại diện đoàn công tác, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP Hồ Chí Minh thông tin, thời gian qua các doanh nghiệp Nhật Bản thường chọn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương để đầu tư.
Tuy nhiên, chi phí thuê lao động và thuê đất tại những nơi này hiện nay tăng cao, nên doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm môi trường đầu tư ở các tỉnh, thành phố khác. Cà Mau là điểm đến tiềm năng, thời gian gần đây hạ tầng được quan tâm xây dựng, là lợi thế để các doanh nghiệp Nhật Bản xem xét môi trường đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (bên phải), trao quà lưu niệm cho ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP Hồ Chí Minh |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử vui mừng đón tiếp đoàn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh: Cà Mau được đánh giá là tỉnh có tiềm năng bậc nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng do hạ tầng chưa phát triển nên việc phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế còn hạn chế; Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chưa tương xứng với tiềm năng.
Tỉnh Cà Mau là tỉnh có sản lượng thủy sản xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản là thị trường truyền thống, với sản lượng xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự tăng trưởng về tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản lại chậm hơn thị trường các nước khác. Tỉnh Cà Mau cũng đã ký kết hợp tác với tỉnh Nagasaki của Nhật Bản, tuy nhiên thời gian qua chủ yếu hợp tác về lao động.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp của Nhật Bản có sự điều chỉnh về thị trường đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng việc khảo sát, nghiên cứu thúc đẩy sự hợp tác đầu tư của Tổ chức JETRO đối với tỉnh Cà Mau là rất cần thiết.
Tỉnh Cà Mau đang có các lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp Nhật Bản có thể quan tâm như: Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; Đầu tư phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; Các dự án sản xuất thủy sản công nghệ cao; Mở rộng hợp tác về xuất khẩu lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử mong muốn thông qua hoạt động khảo sát lần này, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng và doanh nghiệp Nhật Bản có những hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt là hợp tác xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau sang thị trường Nhật Bản.
Cũng tại buổi gặp gỡ, các thành viên trong đoàn công tác Tổ chức JETRO và đại diện các Sở, ban, ngành đã trao đổi, tìm hiểu thêm một số vấn đề liên quan đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau dành cho doanh nghiệp; tình hình cung ứng điện; Việc đào tạo nguồn nhân lực...