Các doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm về chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Theo TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và lễ hội xuân, toàn thành phố đã thành lập gần 700 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Công tác kiểm tra tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết.
Kết quả bước đầu ra quân, trong 2 tuần qua, các đoàn thanh kiểm tra đã tiến hành thanh, kiểm tra được 6.708 cơ sở, trong đó đã xử phạt 794 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ 6 cơ sở.
Qua công tác kiểm tra, TS Trần Văn Chung đánh giá, các quận, huyện, thị xã cơ bản đã xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn thực phẩm trong dịp Tết và tại các lễ hội.
Các doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm về chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán |
Cụ thể, công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của thành phố đến xã, phường được tiến hành đồng loạt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, hạn chế tối đa chồng chéo. Mặt khác, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh, kiểm tra.
Từ nay đến hết ngày 25/3/2021, các đoàn tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Các đoàn tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết, các lễ hội như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo...
Các đoàn kiểm tra cần chú trọng kiểm tra các cơ sở về việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Nếu sử dụng sai về hàm lượng, không phù hợp, thì phụ gia trong danh mục cho phép vẫn gây hại cho sức khỏe.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi diễn ra các lễ hội trên địa bàn thành phố. Các cơ sở tổ chức lễ hội cần tuân thủ nghiêm chỉ đạo chung, trong đó, phun khử khuẩn đầy đủ tại các cơ sở ăn uống; bố trí lực lượng cấp, phát và nhắc nhở người tham gia thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang tới gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Theo quy định hiện nay, đa số các loại thực phẩm sản xuất, kinh doanh trong dịp tết (đồ uống, rượu, bia, bánh mứt, kẹo…), sẽ do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Khi đã gửi tự công bố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp có thể sản xuất và phân phối sản phẩm. Sau đó, cơ quan chức nặng hậu kiểm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm ăn chộp giật, sản xuất các sản phẩm kém chất lượng, bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, nếu vi phạm sẽ xử lý hành chính, thậm chí trường hợp phức tạp sẽ chuyển cơ quan điều tra.
Do đó, các doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh vì nếu như cơ quan chức năng kiểm tra thấy sai phạm thì mức phạt sẽ rất lớn, từ vài chục, vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng, sản phẩm vi phạm bị tịch thu, doanh nghiệp bị thu giấy phép sản xuất...