Kiên quyết xử lý vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết Tân Sửu
Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, hiện trên địa bàn quận có tổng số 3.399 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, từ giữa tháng 12/2020 đến nay, quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Tân Sửu 2021.
Quận đã thành lập 12 đoàn kiểm tra tuyến quận, phường thực hiện giám sát công tác an toàn thực phẩm tại 151 cơ sở. Kết quả xác định 25/151 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Hiện, cơ quan chức năng địa phương đã ban hành các quyết định xử phạt 12 cơ sở, với tổng số tiền 48 triệu đồng.
Tại quận Bắc Từ Liêm, triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết tân Sửu 2021 của UBND thành phố Hà Nội, địa phương cũng đã thành lập 15 đoàn kiểm tra hoạt động của 273 cơ sở. Trong đó, xác định có 5/273 cơ sở có vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Mặc dù vậy, địa phương này không tiến hành xử phạt vi phạm bất cứ cơ sở nào, thay vào đó chỉ nhắc nhở và cho phép tự khắc phục.
Thành phố Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết Tân Sửu |
Liên quan đến vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết: Vấn đề an toàn thực phẩm được thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Do đó, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong năm 2020 nhìn chung đã được kiểm soát.
Dù vậy, công tác an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo. Dịp Tết Tân Sửu 2021, thành phố đã thành lập 3 đoàn liên ngành, đi kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã.
Đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết tân Sửu 2021, ông Ngô Đình Loát đề nghị hai quận tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Quản lý chặt chẽ hoạt động tại các làng nghề như: Bún Phú Đô, cốm Mễ Trì, bánh kẹo Xuân Đỉnh… Đây là những loại thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong dịp lễ tết; Phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc tự công bố sản phẩm của các cơ sở; Đổi mới công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm qua kênh mạng xã hội, thông tấn báo chí…
Đại diện đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội cũng đánh giá, so với các quận, huyện, thị xã, việc xử phạt các vi phạm của hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm còn thấp. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các cơ sở có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở; Đồng thời, công khai cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm để người dân biết, không sử dụng.
Trước đó, đoàn liên ngành số 2 đã đi kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH kinh doanh thực phẩm Tiến Đạt tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm). Đây là một trong số những cơ sở bảo quản, chế biến và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm thuỷ sản lớn trên địa bàn quận. Kết quả giám sát cho thấy doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại.
Đối với đơn vị này, đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Nam Từ Liêm tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để tổ chức giám sát, xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời, tiếp tục giám sát, xác minh làm rõ các vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Cũng liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội vừa có thông báo về việc xếp loại phong trào thi đua an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2020.
Theo đó, có 14 quận, huyện đạt loại xuất sắc, gồm: Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Phú Xuyên, Mỹ Đức; 9 quận, huyện, thị xã đạt loại tốt, gồm: Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Gia Lâm, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Hoài Đức, Ứng Hòa; 7 huyện đạt loại khá: Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Đan Phượng, Đông Anh, Thường Tín.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nếu như năm 2017 mới có 6 đơn vị, thì đến năm 2019 đã tăng lên 11 đơn vị và năm 2020 tăng lên 14 đơn vị. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập 3 đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2020, tiến hành từ ngày 27/11 đến 15/12/2020 tại 30 quận, huyện, thị xã.