Các doanh nhân kiến nghị gì với Chủ tịch Quốc hội?
Doanh nhân trẻ khát khao làm rạng danh thương hiệu Việt Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Nới lỏng đi lại là lưu thông “máu”, "oxy" cho doanh nghiệp |
Chiều 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tập đoàn Nafoods bày tỏ mong muốn các chính sách hỗ trợ phải được triển khai một cách nhanh nhất, đơn giản và tối giản nhất. “Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể giảm thiểu tối đa những khó khăn do Covid-19 gây ra”, ông Hùng nói.
Cùng với đó, ông Hùng cũng đề nghị các chính sách hỗ trợ phải được công bằng.
“Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ đều có tiêu chí chỉ hỗ trợ doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Tôi kiến nghị với những ngành tiềm năng không nên giới hạn sự hỗ trợ. Chúng ta có thể hỗ trợ những doanh nghiệp có quy mô lớn bởi đây là những doanh nghiệp có tính dẫn dắt trên thị trường”, ông Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, trong soạn thảo ban hành các văn bản với các doanh nghiệp nói chung, cần lấy quan điểm hỗ trợ đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp là chính, không nên mang nặng tính an toàn, sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, không nên để các bên lợi dụng, bóp méo tạo giấy phép con, tạo rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cộng đồng doanh nhân |
Kiến nghị với lãnh đạo Quốc hội, ông Đoàn cho rằng, rước mắt, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chịu tác động của dịch Covid-19 theo hướng dễ tiếp cận, thực tế, phù hợp với đặc điểm điều kiện của doanh nghiệp, với ngành nghề lĩnh vực và có thể tiếp cận thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo vị này, đến nay, việc hỗ trợ pháp luật chưa đồng đều vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương vùng miền, vì vậy, cần triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ của luật, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành.
Ông Đoàn cũng cho rằng, việc hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là giải đáp thắc mắc về pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, nhất là tại các tỉnh lẻ, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước.
"Không chỉ trong việc giải đáp về nội dung quy định pháp luật, mà ngay cả trong việc trả lời về các vụ việc phát sinh giữa các doanh nghiệp với nhau, trong hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Đoàn chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nhân, chiều 7/10. (Ảnh: quochoi.vn) |
Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch cũng đồng thời làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông khiến khan hiếm nguyên vật liệu đẩy giá vốn tăng cao, hàng hóa tồn đọng kéo dài, không bán được hàng.
Theo ông Vũ Văn Tiền, nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại được. Vì vậy, các cơ quan hữu quan có giải pháp để tạo điều kiện kết nối, "đường thông hè thoáng", chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, ông Tiền cho biết, về lâu dài, vấn đề nguồn lực lao động cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài đã buộc người lao động phải trở về các tỉnh. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương lên phương án chào đón cũng như hỗ trợ người lao động trở về quê hương ổn định cuộc sống để sau khi hết dịch, người dân có thể trở lại các khu công nghiệp cống hiến sức lực.
Ngoài ra, Tiền cũng kiến nghị cần rà soát lại các văn bản pháp luật đang chồng chéo, gây khó dễ cho doanh nghiệp.
"Các cơ chế chính sách phải mang tính trước mắt, lâu dài; đồng thời công khai minh bạch phù hợp thông lệ quốc tế. Trong tình hình đặc biệt có giải pháp đặc biệt, có đột phá, khác biệt, phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh", lãnh đạo Tập đoàn Geleximco cho biết.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội và cá nhân ông đều xác định, mọi quyết sách đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội thực sự muốn lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nhân, từ đó có những sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp, nhất là những tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua đối với nền kinh tế", ông Huệ nói.
Lãnh đạo Quốc hội cũng cho biết, Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa bế mạc sáng 7/10 cũng đã xem xét, quyết định hai nhóm nhiệm vụ hết sức quan trọng gồm kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, kế hoạch tài chính, ngân sách 3 năm, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế.
Theo ông Huệ, Quốc hội cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới. Trong đó sẽ xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, doanh nhân và phục hồi kinh tế xã hội; xem xét, quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, lao động, việc làm của người dân.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ phải sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch", Chủ tịch Quốc hội cho biết.