Các giải pháp cốt lõi mang tính khoa học và thực tiễn hữu ích
Thông qua 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Động lực để Hà Nội “xanh hóa” hệ thống giao thông công cộng Giao thông đảm bảo thông suốt cho sĩ tử dự kỳ thi THPT |
Góc nhìn tổng quát, đa chiều
Trong những năm qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo giao thông đô thị ở Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong công tác đầu tư phát triển giao thông đô thị. Kết quả ấy đã mang lại sự phát triển và chuyển biến tích cực trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng vận tải, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch - thương mại - dịch vụ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường sống văn minh, hiện đại.
Cuốn sách "Ùn tắc giao thông đô thị" mang đến những giải pháp khoa học và thực tiễn về tình hình giao thông của Việt Nam hiện nay |
Bên cạnh những thành tựu, GTVT đô thị cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: Nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao, khó kiểm soát, trong khi hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ; tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường cũng tăng cao do ảnh hưởng của các hoạt động xã hội, trong đó có khí thải giao thông.
Trong bối cảnh nêu trên, cuốn sách “Ùn tắc giao thông đô thị” gồm 6 chương do TS Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Hà Nội làm chủ biên, đã đưa ra một góc nhìn tổng quát, đa chiều, không né tránh những hạn chế và thách thức về vấn đề ùn tắc giao thông ở các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
TS Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Hà Nội là chủ biên cuốn sách |
Nhóm tác giả PGS, TS Bùi Tiến Thành, TS Đặng Minh Tân; PGS, TS Nguyễn Hoàng Tùng; TS Trần Khắc Dương (Trường đại học GTVT) và Ths Phan Trường Thành (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) là đồng tác giả. Đây là những nhà quản lý, nhà khoa học những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong các vấn đề về quản lý, tổ chức và điều hành giao thông.
Bằng sự tâm huyết, bằng sự trình bày mạch lạc nhưng rất dễ đọc, dễ hiểu, nhóm tác giả đã đưa người đọc đến hành trình hướng tới các giải pháp cốt lõi, mang tính khoa học và thực tiễn.
Theo đó, mỗi chương phân tích tỉ mỉ, lí giải những vấn đề hết sức thiết thực với ùn tắc giao thông đô thị như: Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị ở Việt Nam; Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); Quản lý giao thông đô thị; Tổ chức giao thông đô thị; Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý điều hành giao thông và Kết luận.
Công trình có giá trị
Tài liệu có giá trị cung cấp những thông tin tổng quan về thực trạng ùn tắc giao thông ở Việt Nam, phân tích nguyên nhân, tác động và các giải pháp giải quyết vấn đề này. Nội dung của cuốn sách có sự pha trộn giữa thực tiễn và khoa học giao thông vận tải. Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả muốn truyền tải những nội dung chuyên sâu nhưng lại rất cơ bản, không quá phức tạp giúp cho nhiều đối tượng người đọc có thể dễ dàng nắm bắt được các nội dung.
Trong Lời nói đầu, TSKH Phan Xuân Dũng Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhận định: “Có thể nói, cuốn sách “Ùn tắc giao thông đô thị” là một công trình có giá trị, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của nhóm tác giả. Với năm cột trụ về tính cập nhật - tính khoa học - tính thực tiễn - tính đa chiều - tính khách quan, cuốn sách đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu soạn thảo, nhóm tác giả đã rất cầu thị và tiếp thu chọn lọc các ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực GTVT để hoàn thiện cuốn sách này.
Các nội dung được thể hiện trong cuốn sách mang tính chuyên sâu nhưng lại rất cơ bản, không quá phức tạp, giúp nhiều đối tượng người đọc có thể dễ dàng nắm bắt, tiếp cận được các nội dung truyền tải. Đồng thời, cuốn sách cũng là nguồn tài liệu hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giao thông, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp xây dựng, vận tải... và bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề giao thông đô thị, mong muốn góp phần xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại cho đô thị và cho cộng đồng”.
Làm sáng tỏ những thách thức
Điều quan trọng, cuốn sách đã làm sáng tỏ những thách thức đáng kể mà các thành phố Việt Nam phải đối mặt, đó là ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng, ô nhiễm không khí gia tăng và chất lượng cuộc sống đô thị suy giảm. Cuốn sách đã phác họa nên bức tranh hiện trạng, giúp người đọc hiểu được những vấn đề còn tồn tại cũng như những khó khăn trong việc tìm kiếm các giải pháp chiến lược nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.
Tài liệu này đã cung cấp những nội dung cơ bản mà chuyên sâu, khoa học mà thực tiễn thông qua nhiều giải pháp, lộ trình nhằm hướng tới tương lai bền vững, an toàn và hiệu quả hơn. Các giải pháp được trình bày xuyên suốt các chương vẽ nên bức tranh về một tương lai có thể đạt được thông qua cách tiếp cận đa phương diện.
Các giải pháp được trình bày trong sách xoay quanh các trụ cột chính: Phát triển Đô thị theo định hướng Giao thông Công cộng (TOD): Xây dựng các cộng đồng nhỏ gọn, dễ đi bộ tập trung xung quanh hệ thống giao thông công cộng hiệu quả sẽ khuyến khích mọi người lựa chọn phương thức di chuyển bền vững hơn.
Quản lý Giao thông đô thị hiệu quả: Vượt ra ngoài việc phụ thuộc vào các giải pháp mở rộng đường sá, chiến lược quản lý giao thông thông minh sẽ tối ưu hóa lưu lượng giao thông, giảm ùn tắc và cải thiện an toàn giao thông.
Tổ chức Giao thông: Sử dụng các kỹ thuật hiện đại để điều phối lưu thông trên mạng lưới và nút giao, đảm bảo dòng chảy liên tục và giảm thiểu xung đột giao thông.
Sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc tại đô thị |
Ứng dụng Giao thông Thông minh (ITS): Thu thập dữ liệu theo thời gian thực về tình trạng giao thông, sử dụng công nghệ để đưa ra các quyết định chính xác, nhanh chóng, kịp thời về quản lý, tổ chức giao thông và cung cấp thông tin cho người đi đường. Bằng cách thực hiện kết hợp các giải pháp này, các thành phố của Việt Nam có thể xây dựng một tương lai giao thông đô thị bền vững với các đặc điểm:
Giảm ùn tắc: Ít tắc nghẽn hơn đồng nghĩa với thời gian di chuyển ngắn hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn và môi trường sạch hơn, cùng tất cả các khía cạnh quan trọng để cải thiện hiện trạng.
Giao thông công cộng nâng cao: Một hệ thống giao thông công cộng mạnh mẽ và hiệu quả sẽ mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn, giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và thúc đẩy lối sống bền vững hơn. Điều này trực tiếp giải quyết những khiếm khuyết hiện tại của hệ thống giao thông công cộng, chẳng hạn như phạm vi phủ sóng hạn chế và dịch vụ không thường xuyên.
Phát triển đô thị thông minh và bền vững: Việc tích hợp các công nghệ thông minh vào quản lý giao thông, quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế sẽ mở đường cho một tương lai tươi sáng hơn cho các thành phố Việt Nam.
Kết hợp đồng bộ để đạt hiệu quả lâu dài
Vì vậy, “Ùn tắc giao thông đô thị” không chỉ là một cuốn sách mà là một thông điệp thúc đẩy việc đổi mới tư duy trong lĩnh vực giải quyết ùn tắc giao thông và phát triển giao thông đô thị. Bằng cách cùng nhau hợp tác và thực hiện các giải pháp được trình bày, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai giao thông đô thị hiệu quả, an toàn và bền vững hơn cho Việt Nam, giải quyết tình trạng tắc nghẽn hiện tại và những hậu quả tiêu cực của nó.
Khi các thành phố tiếp tục phát triển, nhu cầu về tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông hiệu quả sẽ càng trở nên cấp bách hơn. Bằng cách áp dụng quản trị hợp tác, tận dụng các mối quan hệ đối tác đổi mới và trao quyền cho cộng đồng, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết sự phức tạp của việc quản lý giao thông ở khu vực đô thị và mở đường cho một tương lai trong đó sự đi lại, di chuyển trong đô thị không phải là nguồn gây thất vọng, mệt mỏi mà là chất xúc tác cho sự tiến bộ và thịnh vượng.
Thay cho lời kết, các tác giả cũng nhấn mạnh: Có thể nói không có một “Cây đũa thần” nào có thể giải quyết hoàn toàn tình trạng ùn tắc giao thông. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các chính sách, giải pháp mang tính đơn lẻ chỉ có thể mang lại những hiệu quả thấp và trong ngắn hạn và cục bộ. Điều này có nghĩa là các biện pháp phải được kết hợp đồng bộ với nhau để xử lý vấn đề một cách hiệu quả, lâu dài.
Cần kết hợp các giải pháp để đạt hiệu quả lâu dài |
Một cách ví von, ùn tắc giao thông được ví như một cây cổ thụ khổng lồ đã tồn tại hàng trăm năm với gốc rễ ăn sâu. Những người đang nỗ lực giải quyết tình trạng này giống như những người tiều phu đốn hạ cây cổ thụ chỉ bằng một chiếc rìu. Chắc chắn họ không thể ngăn đước sự lớn mạnh của cái cây chứ chưa nói đến chuyện hạ gục được cây chỉ với những nhát cắt đơn lẻ. Nhưng họ có thể hóa giải cái cây bằng hệ thống những giải pháp đồng bộ và khoa học. Một cách tiếp cận đa phương diện và nỗ lực chính là hy vọng duy nhất để giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Mặc dầu vậy, ngay cả hàng chục nghìn nhát cắt nhỏ cũng sẽ không thể xóa bỏ được hoàn toàn tình trạng ùn tắc giao thông do nhiều yếu tố gốc rễ ăn sâu. Việc áp dụng các biện pháp giảm ùn tắc giao thông nên tập trung vào mục tiêu cải thiện chất lượng đi lại của người tham gia giao thông thay vì mong đợi giải quyết hoàn toàn vấn đề, các mục tiêu này bao gồm: Giảm tối đa mức độ ùn tắc; giảm thời gian trung bình cần cho việc đi lại; tăng tốc độ di chuyển trung bình; tăng tỉ lệ số người đi lại trong thời gian thuận tiện nhất; giảm sự khó chịu của người dân trong việc đi lại.