Các nước thắt chặt quy định tiêm chủng với người lao động
Châu Á đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng Bỉ mở trung tâm tiêm chủng tại các nhà ga tàu hỏa Singapore tiếp tục duy trì giãn cách, tập trung tiêm chủng và xét nghiệm |
Theo quy định hiện hành, Đức hỗ trợ một khoản tiền cho người lao động chưa tiêm vắc-xin nhưng phải thực hiện cách ly trong ít nhất 5 ngày sau khi họ tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người mới trở về từ các vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cao ở nước ngoài. Trong khi đó, những người đã tiêm vắc-xin không bị buộc phải cách ly.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức cho biết chính sách hỗ trợ nói trên sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/11 và đây là sáng kiến mới nhất của Chính phủ nhằm khuyến khích người dân tích cực tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ông Jens Spahn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức khẳng định tiêm chủng hay không là quyết định của mỗi cá nhân nhưng luôn phải đi kèm với trách nhiệm về tài chính.
Một điểm tiêm chủng ở Đức (Ảnh: Reuters) |
Tại Italy, Chính phủ nước này cũng phê chuẩn sắc lệnh mới, bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có thẻ xanh Covid-19.
Các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10, yêu cầu tất cả những người lao động phải xuất trình thẻ xanh, bằng chứng về việc người đó đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin; Có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc đã phục hồi sau khi mắc Covid-19. Bất kỳ người lao động nào không xuất trình được thẻ xanh sẽ bị đình chỉ, làm việc không hưởng lương. Những người phớt lờ sắc lệnh trên sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600 - 1.500 euro (16 - 40 triệu đồng).
Trước đó, thẻ xanh đã được áp dụng cho người lao động trong một số ngành tại Italy. Từ ngày 1/9, giáo viên, nhân viên nhà trường và phụ huynh phải trình thẻ xanh khi vào khuôn viên trường học. Sau đó, quy định này được mở rộng vào ngày 9/9 đối với nhân viên của các công ty dọn dẹp và phục vụ làm việc trong trường học và trường đại học, cũng như các nhân viên trong lĩnh vực y tế. Từ tháng 4/2021, Italy đã có quy định buộc những người làm việc trong các cơ sở y tế, cả nhà nước lẫn tư nhân, bao gồm cả tại các hiệu thuốc và văn phòng bác sĩ, phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Chính phủ Italy cho rằng việc sử dụng thẻ xanh là giải pháp duy nhất để tránh phải khôi phục các biện pháp giãn cách như đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại.
Mỹ sẽ áp đặt các quy định mới nghiêm ngặt hơn về tiêm chủng (Ảnh: AP) |
Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ áp đặt các quy định nghiêm ngặt. Theo đó, Mỹ bắt buộc tiêm vắc-xin đối với toàn bộ nhân viên liên bang, chủ lao động lớn và nhân viên chăm sóc sức khỏe trong một nỗ lực sâu rộng nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 mới do biến thể Delta lây lan nhanh chóng.
Theo Nhà Trắng, các quy định mới có thể áp dụng cho khoảng 100 triệu người Mỹ. Đây là nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất của Tổng thống Biden đối với việc yêu cầu tiêm vắc-xin cho người dân trên toàn quốc. Vào đầu mùa hè này, Tổng thống Biden yêu cầu công nhân liên bang phải tiêm phòng nhưng cho phép những người chọn không tham gia phải chịu các quy định xét nghiệm nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, với quy định mới, các nhân viên liên bang sẽ có 75 ngày để tiêm phòng hoặc có nguy cơ bị sa thải. Các trường hợp miễn trừ có giới hạn sẽ được áp dụng cho những công nhân khai báo vì lý do y tế hoặc tôn giáo để không tiêm chủng.
Tại Canada, đến cuối tháng 10, việc tiêm chủng là bắt buộc đối với viên chức và người lao động liên bang, cũng như các nhân viên của ngành giao thông. Từ ngày 13/9, người Canada muốn đến nhà hàng, rạp chiếu phim cũng phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng.
Trong khi đó, đảo quốc Fiji công bố kế hoạch bắt buộc toàn bộ người lao động tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 với thông điệp cương quyết là “không tiêm, mất việc”.
Quốc đảo với 930.000 dân này yêu cầu toàn bộ nhân viên trong lĩnh vực công phải nghỉ phép nếu như không đi tiêm mũi 1 tính đến hạn ngày 15/8 và sẽ bị sa thải nếu không tiêm mũi thứ 2 với hạn chót ngày 1/10. Các cá nhân vi phạm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng. Trong khi đó, các công ty có người lao động vi phạm có nguy cơ phải đóng cửa.