Các quốc gia trên thế giới cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà như thế nào?
Tiền thuế từ các tỷ phú kiếm được thời Covid-19 đủ tiêm vắc-xin toàn cầu WHO tiếp tục đưa vào thử nghiệm 3 loại thuốc điều trị Covid-19 Dấu hiệu của làn sóng Covid-19 thứ ba xuất hiện ở Ấn Độ |
Theo dõi qua ứng dụng
Hambal M Zain (61 tuổi), chủ quán cà phê sống tại thành phố Banda Aceh thuộc tỉnh Aceh phía Tây Bắc Indonesia bắt đầu sốt từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, ông quyết định quay trở lại công việc thường nhật vài ngày sau đó khi những cơn sốt giảm dần.
Khoảng một tuần sau, cơn sốt đột ngột quay trở lại và Zain bị đau đầu dữ dội. Vợ ông đề nghị chồng đi xét nghiệm Covd-19 và kết quả thu được là dương tính. May mắn là sau khi điều trị tại bệnh viện, tình trạng của ông Zain có tiến triển. Ông xuất viện và được chỉ định cách ly, sử dụng oxy tại nhà.
Cũng tại bệnh viện, ông Zain và vợ là bà Azlinda gặp gỡ bác sĩ Ferry Dwi Kurniawan, người đứng đầu Hiệp hội Hô hấp Indonesia tại tỉnh Aceh. Bác sĩ Ferry Dwi Kurniawan chia sẻ với họ về chương trình mới tạo điều kiện để bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà được bác sĩ tư vấn qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp.
Bác sĩ Ferry Dwi Kurniawan đã thành lập một nhóm bác sĩ về phổi để tư vấn điều trị các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà ở tỉnh Aceh, Indoneisa (Ảnh: Aljazeera) |
“Phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện khi đã bị suy hô hấp, thường là vào ngày thứ 10 hoặc 11 có triệu chứng. Không muốn đến bệnh viện vì sợ hãi nên họ cố trì hoãn. Tuy nhiên, các biến chứng Covid-19 có thể xảy ra đột ngột và dẫn đến đột tử, đặc biệt nếu bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu để được điều trị và có bệnh nền như tim mạch hoặc nhiều bệnh đồng thời”, bác sĩ Kurniawan cho biết.
Chương trình tư vấn bệnh nhân được khởi động từ ngày 26/7 với 12 bác sĩ tại tỉnh Aceh, nơi có dân số trên 5 triệu người. Những bác sĩ này sẵn sàng tình nguyện đảm nhận thêm việc tư vấn cho người mắc Covid-19 qua tin nhắn.
Bác sĩ Kurniawan chia sẻ, ông tư vấn cho 15 - 20 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày với các câu hỏi đa dạng từ việc nên uống loại thuốc bổ sung nào và lượng thời gian họ cần tự cách ly, liệu họ có cần xét nghiệm Covid-19 lại không…
Đối với bà Azlinda, người cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vài ngày sau đó chia sẻ dịch vụ WhatsApp giống như một cứu cánh. Hàng ngày, bà Azlinda, liên lạc với bác sĩ Kurniawan vào buổi sáng, gửi bức hình về nồng độ oxy của ông Zain đồng thời cập nhật tình trạng sức khỏe của cả hai vợ chồng.
Nhiều nước đang triển khai
Mỹ cho phép cách ly tại nhà đối với bệnh nhân Covid-19 thuộc nhóm có thể hồi phục ở nhà hoặc nhóm không có triệu chứng. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ khuyến cáo những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ nên ở nhà trừ trường hợp cần chăm sóc y tế. Nếu gặp phải những dấu hiệu như khó thở, đau hoặc tức ngực dai dẳng, mất tỉnh táo hay da, môi, vùng da quanh móng tay trở nên xanh xao nhợt nhạt thì cần nhập viện ngay.
Những người này phải cách ly trong một phòng riêng biệt với các thành viên khác trong gia đình. Họ chỉ có thể tiếp xúc với người khác sau ít nhất 10 ngày tính từ lúc xuất hiện triệu chứng với điều kiện không bị sốt, không cần dùng thuốc trong vòng 24 giờ gần nhất và các triệu chứng khác đã được cải thiện.
Tuy nhiên, khi điều trị tại nhà, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc tối đa với người khác, không dùng chung đồ vật, dọn vệ sinh và khử trùng thường xuyên những không gian chung, bố trí nhà vệ sinh riêng nếu có thể. Người chăm sóc bệnh nhân cũng cần cách ly tại nhà và hạn chế ra đường.
Nhiều nước đã áp dụng điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà (Ảnh: Getty) |
Tại Anh, cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia lưu ý những ca bệnh Covid-19 nhẹ không cần nhập viện nhưng vẫn nên đăng ký kiểm tra sức khỏe qua mạng và đường dây nóng nếu các triệu chứng ngày một nặng lên, không dứt sốt và không bình phục sau một tuần.
Người thuộc nhóm nguy cơ cao như lớn tuổi hoặc có bệnh nền dù mắc Covid-19 thể nhẹ cũng sẽ được ưu tiên theo dõi sức khỏe và điều trị ở bệnh viện.
Biện pháp tự cách ly và điều trị tại nhà đối với ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cũng được áp dụng ở Ấn Độ, đặc biệt trong giai đoạn làn sóng dịch thứ hai làm hệ thống y tế nước này quá tải.
Những ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được Bộ Y tế và Gia đình Ấn Độ cho phép tự cách ly trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người thân trong gia đình. Người thân sống cùng nhà được yêu cầu tự cách ly 14 - 21 ngày và có trách nhiệm giữ liên lạc thường xuyên với cơ sở y tế. Bệnh nhân trên 60 tuổi có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng chỉ được phép tự cách ly ở nhà nếu được bác sĩ đồng ý.
Thời gian chấm dứt cách ly có thể sớm hơn hoặc muộn hơn, được điều chỉnh theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu một người không bị sốt trong 3 ngày hoặc dùng thuốc hạ sốt và tự quan sát thấy cải thiện sức khỏe, có thể coi là tình trạng an toàn. Qua đó, bệnh nhân có thể chấm dứt cách ly.
Singapore vẫn áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người mắc Covid-19 dù bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng hoặc là bệnh nhẹ. Biện pháp này nhằm giảm nguy cơ chuỗi lây nhiễm mở rộng trong cộng đồng. Sau 7 ngày, nếu được cơ sở điều trị xác nhận các triệu chứng chỉ ở mức nhẹ hoặc sức khỏe lâm sàng ổn định sau điều trị nhưng vẫn dương tính với virus, bệnh nhân sẽ được xuất viện và chuyển đến “cơ sở hồi sức cộng đồng”. |