Cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành - Cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu
Cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu.
Với 7 nội dung cải cách quan trọng, đề án cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chuyên ngành, có nghĩa là doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ, còn hải quan có trách nhiệm đưa vào hệ thống để các bộ, ngành lấy thông tin và trên cơ sở danh mục, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm tra chuyên ngành để cơ quan hải quan thực hiện. Việc này sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho doanh nghiệp. Thời gian thông quan sẽ giảm đi rất nhiều, chưa nói đến tiền bạc liên quan đến chi phí lấy mẫu, chi phí gửi tài liệu, đi lại…
Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu |
Với đề án trên, doanh nghiệp chỉ tiếp xúc một đầu mối từ khi đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đến khi hàng hóa thông quan, thay vì phải tiếp xúc nhiều đầu mối như hiện nay.
Bên cạnh đó, khi hàng hóa đủ điều kiện sẽ được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm, hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện nay. Như vậy, mô hình mới giúp cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng và cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm.
Tiết kiệm cho nền kinh tế gần 400 triệu USD/năm
Với những điểm cải cách nổi bật được nêu trong đề án, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, tiết kiệm cho nền kinh tế hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới này lên đến 9.285 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 399 triệu USD).
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, nếu mô hình được triển khai sẽ giúp cắt giảm thủ tục hành chính; Giảm thời gian thông quan; Cắt giảm nguồn lực và chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhưng vẫn nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng; Phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo lời Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phân tích, như trước đây, doanh nghiệp phải đi 4 lần lấy kết quả kiểm tra chuyên ngành để thông quan hàng hóa. Khi áp dụng mô hình kiểm tra mới, theo đánh giá tác động do các chuyên gia của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ thực hiện, chi phí thời gian tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm quy ra tiền là hơn 880 tỷ đồng..
Ngoài ra, ông Cẩn cũng cho biết các doanh nghiệp nhập lô nào phải đi kiểm tra chuyên ngành lô đó. Ví dụ sữa Ensure, doanh nghiệp nhập lô nào, từ to đến nhỏ cũng phải lấy mẫu đi kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tới đây khi áp dụng mô hình kiểm tra mới, các tập đoàn lớn có các sản phẩm đã được đăng ký bản quyền ở Việt Nam thì hải quan không kiểm tra theo lô, lô nào cũng kiểm tra mà theo rủi ro, trường hợp phát hiện vi phạm thì lô hàng sẽ bị đình chỉ toàn bộ và kiểm tra ở tất cả các cửa khẩu để ngăn chặn.
Chia sẻ với báo chí, bà Đỗ Thu Thủy, Giám đốc Công ty Korchem Co.,Ltd cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là giải pháp quan trọng để triển khai mô hình cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Bởi cơ quan Hải quan có nguồn dữ liệu thông tin của toàn bộ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đó là nguồn dữ liệu quan trọng để đơn vị này có thể sử dụng để phân tích, đánh giá rủi ro phục vụ phân luồng kiểm tra. Hơn thế, việc xác minh mức độ kiểm tra dựa trên dữ liệu tự động phân tích thông tin của hệ thống sẽ giúp minh bạch thông tin, cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra.
Về phía đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nếu như nhìn toàn bộ quy trình của đề án, về cơ bản sẽ giảm thời gian của doanh nghiệp đến cơ quan có chức năng kiểm tra (tối thiểu giảm được 2 ngày cho 1 lô hàng), đặc biệt, khi cơ quan Hải quan tích hợp được dữ liệu về kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa để áp dụng cho lô hàng sau này thì sẽ giảm lượng hàng hóa phải kiểm tra rất lớn. Tuy nhiên, đại diện VCCI cũng nêu các vấn đề cần giải quyết trong đề án đó là trách nhiệm của cơ quan Hải quan với trách nhiệm của các tổ chức kiểm tra của các Bộ, ngành.
Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới này lên đến 9.285 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 399 triệu USD) |
Một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống nhập khẩu nên thời gian thông quan rất quan trọng. Thời gian qua, thủ tục hải quan đã thông thoáng hơn nhưng thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành vẫn là 3-5 ngày. Với bước đột phá trên, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng thời gian kiểm tra chuyên ngành sẽ được rút ngắn hơn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Được biết, năm 2021, ngành Hải quan sẽ tập trung nhân lực khẩn trương triển khai đề án này. Theo đó, lực lượng hải quan sẽ chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đối với các mặt hàng về lương thực thực phẩm, trừ hàng liên quan đến an ninh quốc phòng, kiểm dịch về thú y.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu lấy ý kiến các bộ, ngành trình Bộ Tài chính xem xét, trình Chính phủ phê duyệt trong quý II/2021 để làm cơ sở triển khai đề án.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả đến nay còn nhiều hạn chế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu cải cách của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp.
Do đó, với việc đổi mới phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu lần này vừa đảm bảo mục đích tạo thuận lợi thương mại nhưng không buông lỏng quản lý sẽ tạo được những đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.