Cần chế độ, chính sách đặc thù thu hút nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao là tài nguyên quan trọng nhất Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành chăm sóc sắc đẹp Thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội |
Theo TS Nguyễn Mai Thuyên, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) phục vụ phát triển Thủ đô là một trong 9 chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Điều 16 của Dự thảo quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với 4 vấn đề cụ thể.
Hà Nội cần đề ra chính sách cụ thể thu hút nhân tài bằng đãi ngộ hấp dẫn |
Đối với phát triển nguồn NLCLC đáp ứng yêu cầu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Thủ đô, Dự thảo quy định thực hiện như sau: - Ưu tiên phát triển nguồn NLCLC, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; quy hoạch, xây dựng; văn hóa, nghệ thuật, thể thao; giáo dục đào tạo, dạy nghề; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính, ngân hàng; giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. - Hỗ trợ từ ngân sách của thành phố Hà Nội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô. - Cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô đi học tập tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. - Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của thành phố Hà Nội. |
Nhìn chung, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vấn đề chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn NLCLC là một chính sách đúng đắn, cần thiết đối với Hà Nội hiện nay.
Trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là “chất xám”, “nhân tài”. Quốc gia nào, địa phương nào có được nguồn NLCLC, với đội ngũ nhân tài hùng mạnh, quốc gia đó, địa phương đó có khả năng phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Các quy định trong Dự thảo Luật về cơ bản là có tính khả thi, có thể tạo ra cú hích cho phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.
Tuy vậy, theo 2 đại diện đến từ Đại học Luật Hà Nội, để hoàn thiện Dự thảo Luật cũng như chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật (sau khi Dự thảo được thông qua), cần lưu ý một số vấn đề. Đó là, cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn NLCLC. Có thể đưa vào Điều 2 Dự thảo (giải thích từ ngữ) về khái niệm nguồn NLCLC; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn NLCLC trên cơ sở mô hình A.S.K.
Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn NLCLC, ít nhất là ở 3 chế độ: Thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp.
Hiện nay, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa quy định rõ nội dung về chế độ, chính sách riêng cho NLCLC, mới chỉ có chế độ tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói chung; cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ NLCLC làm việc lâu dài tại Thủ đô.
Để thu hút được NLCLC, Hà Nội cần đưa ra chính sách trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn như xây dựng nhiều mức lương, được tăng lương định kỳ, chương trình bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt phù hợp với mỗi cấp bậc người lao động và gia đình họ đi kèm, chế độ hưu trí phù hợp để nhân tài yên tâm cống hiến và công tác…
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn NLCLC thông qua phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh; tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, khung chương trình đào tạo và phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, tăng thời lượng thực hành, áp dụng các tiến bộ, thành tựu khoa học; thực hiện giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động.
Đồng thời, Hà Nội cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn NLCLC là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: Sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần thu hút nguồn NLCLC là người nước ngoài cống hiến cho thành phố và đất nước bằng các chính sách phù hợp.
"Hà Nội có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về thu hút và phát triển nguồn NLCLC, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế", TS Nguyễn Mai Thuyên nhấn mạnh.