Cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ngày 2/11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi.
Có ý kiến cho rằng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: Thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.
Đại biểu Đỗ Đức Duy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến tại tổ |
Các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử. Do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.
Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…
Việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; Là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận |
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng bảm bảo thích ứng được với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần thiết phải xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Đại biểu Đỗ Đức Duy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định tại điều 5 về chính sách phát triển giao dịch điện tử.
Theo đại biểu Đỗ Đức Duy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung nhà nước có biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các giao dịch điện tử; Đặc biệt là các giao dịch điện tử có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người dân hoặc doanh nghiệp tham gia giao dịch như giao dịch qua ngân hàng, mua bán online xuyên biên giới…
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, giao dịch điện tử phản ánh sự phát triển của xã hội số, chuyển đổi số và kinh tế số. Giao dịch điện tử cũng có mặt khác nhau và nếu kiểm soát được mặt trái thì có nhiều cơ hội phát triển. Do vậy, đại biểu đoàn TP Hải Phòng đề nghị Ban soạn thảo phải dành "dung lượng" nhiều hơn về vấn đề kiểm soát của nhà nước trong Luật Giao dịch điện tử.
“Tôi nghĩ rằng nếu chế tài không đủ mạnh, không cụ thể thì mình có sửa đổi bao nhiêu thì mình chỉ thêm điều, mở rộng phạm vi nhưng không đi vào chiều sâu”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu ý kiến.
Nhận định Luật Giao dịch điện tử là một luật chuyên ngành đặc thù, sử dụng từ ngữ chuyên ngành là tất yếu nhưng đại biểu Phạm Đức Ấn ((Đoàn Hà Nội) đề nghị cần Việt hóa thêm các từ ngữ sử dụng trong dự thảo đồng thời giải thích ngữ nghĩa cụ thể hơn.
Một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung tính pháp lý cho các hình thức xác thực phổ biến hiện nay như xác thực qua tin nhắn sms, sinh trắc học (vân tay, mống mắt…).